Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Anhxtanh

Tạp văn của Nguyễn Phan Hách

          Anhxtanh ngồi bên cửa sổ. Bầu trời mùa hè xanh lơ. Bóng núi Anpơ xanh biếc sau dáng hình mái nhà lô nhô của thành phố Bern cổ kính. Tóc chải rối, áo quần xộc xệch, chàng trai Anhxtanh 26 tuổi, nhân viên quèn của “Văn phòng cấp bằng sang chế” tay cầm tập bản thảo hai mươi trang nhan đề “Lý thuyết về thời gian”, va viết xong.
          Cô đánh máy bước vào. Anhxtanh tươi cười chào đón. Cô vẫn dành thời gian dỗi đánh máy hộ anh bản thảo. Liếc tên “Lý thuyết về thời gian” ,cô mỉm cười chế nhạo:
-         Thời gian là những mùa của tình yêu… Vắn tắt thế thôi. Làm gì phải viết dài dòng.
Năm ấy là mùa hè 1905, năm mà sau này nhân loại gọi là “Năm kỳ diệu của Anhxtanh”, bởi công trình lý thuyết về thời gian, và tiếp đó là các công trình mà cô thư ký tiếp tục đánh máy hộ ông, Thuyết Tương đối, Phương trình E = mc2 v.v… đã tạo ra một cuộc cánh mạng trong vật lý hiện đại, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt thế giới hôm nay...
 Sự nghiệp khoa học liên tục của Anhxtanh, khai sinh ra Lý thuyết Lượng tử, một trụ cột của ngành Vật lý học, hay đề ra lý thuyết mới miêu tả mô hình cấu trúc vũ trụ v.v… cùng nhiều lý thuyết kỳ diệu khác đã khiến nhân loại phải tôn vinh ông là cha đẻ của vật lý hiện đại, là “người của thế kỷ”, danh từ Anhxtanh biến thành tính từ thiên tài
*  *  *
*  *
*
          Anhxtanh lướt nhẹ cần mã vĩ. Ông vốn là cây đàn cừ khôi. Cây vĩ cầm xao xuyến bâng khuâng giai điệu Môda. Tâm hồn ông bay bổng theo tiếng đàn du dương tan hòa vào không gian. Những thuyết Thời gian, Tương đối, Lượng tử… cũng đang biến thành tiếng đàn say đắm.
          Anhxtanh đang là nhà thơ. Những lý thuyết vật lý kỳ bí, do bộ óc ông nghĩ ra, nó có gì giống như các bài thơ tuyệt tác được trí tưởng tượng cao siêu sáng tác…
          Anhxtanh mỉm cười…
… Mùa hè năm 1896, cậu bé Anhxtanh 16 tuổi không trúng tuyển vào trường Bách khoa liên bang Thụy Sĩ. Thiên tài cũng có lúc gian nan như thế . Tốt nghiệp Đại học, hai năm liền xin việc, không được chân giảng dạy. Nhờ quen biết riêng mới được vào làm nhân viên văn phòng “Cấp bằng sáng chế”. Sau này, khi đã nổi tiếng lừng lẫy thế giới rồi, ông vẫn còn bị tịch thu nhà và thuyền ở quê hương nước Đức. Các công trình của ông nằm trong mục tiêu hủy diệt của Quốc xã. Ông phải đi tìm nơi cư trú mới... .
          Anhxtanh không chui trong tháp ngà khoa học, mà tắm mình trong dòng chảy cuộc đời. Đại chiến thế giới thứ Hai vừa kết thúc, ông kêu gọi cần phải từ bỏ ngay vũ khí nguyên tử. Ông viết: “Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ Ba người ta dùng vũ khí gì, nhưng tôi có thể nói với bạn, sang chiến tranh thế giới thứ Tư, vũ khí đó là Đá!”. Câu đó có nghĩa là vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt tất cả. Trước lúc mất một năm, nhà khoa học vĩ đại góp phần làm thế giới phát triển, đã ra tuyên ngôn thúc đẩy mở Hội nghị Khoa học và hòa bình thế giới.
          Ông cũng từ chối lời mời về làm Tổng thống danh dự Israen năm 1952. Ông biết sứ mệnh của mình, không ham danh vọng phù du.
          Anhxtanh mất ngày 17-4-1955, thọ 76 tuổi. Trước khi ra đi, ông nói: “Tôi đã hoàn thành công việc của mình, đã đến lúc phải ra đi, tôi sẽ làm nó thật thanh thản…”.
          Một nhà khoa học lớn cùng thời đã viết về ông: “Luôn luôn ở trong ông là sự thuần khiết tuyệt vời, lúc như đứa trẻ, lúc uyên bác tận cùng…”.

                                                                   Đại Yên 8/6/2013



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét