BẾP NÚC XUẤT BẢN MỘT THỜI
Trích ghi chép của Nguyễn Phan Hách
Trong thời chiến, công tác tư tưởng tập trung cao độ ,tất cả để chiến thắng. Sang thời bình, có quy luật phổ
biến của nó. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tinh hoa thường có những đóng góp tiên tiến đáng kể. Bối cảnh lúc đó truyền thông còn hạn
chế, chưa có truyền hình Internet, thì “diễn đàn” Nhà xuất bản Tác phẩm mới ( thành lập năm
1976) là địa chỉ khá nhạy cảm của tư tưởng. Hàng ngày nó in ấn những tác phẩm
văn thơ, lý luận... được phổ biến sâu
rộng trong nhân dân.
Trước đổi mới, nhiều vấn đề của
tư tưởng tiến bộ, thường được diễn đạt kín đáo uyển chuyển trong văn chương.
Thực sự, lúc đó văn chương có vai trò quan trọng. Mỗi cuốn sách lúc đó in ra
10.000 bản. Để in được nó khó khăn vô cùng. Các khâu biên tập, duyệt chặt chẽ,
tuyệt đối đúng quy trình. Nhà xuất bản được ngân
sách chu cấp hàng năm. Khác hẳn thời thị trường sau này người ta có thể bỏ tiền
ra in sách của mình, đồng thời với các quan niệm đã được cởi mở thông thoáng.
Ngày nay, với truyền thông phát triển, với khối lượng sách in
ồ ạt trong 20 năm qua, gần như đã bão hòa, đương nhiên mỗi cuốn sách ra đời,
không còn là sự kiện quan trọng nữa (trừ các cuốn chất lượng cao, đặc biệt).
Vào giai đoạn (1976 - 1986) Nhà xuất bản Tác phẩm mới (thuộc
Hội Nhà văn Việt Nam) tập hợp được một
đội ngũ biên tập có chất lượng, đang sung sức, có ý chí, dám phản biện, khát
vọng tiến bộ xã hội, hướng tới văn minh tiên tiến. Anh Vũ Tú Nam là giám đốc
Tổng Biên tập, trung dung ôn hòa. Anh Nguyễn Kiên phụ trách phòng Văn xuôi là
phòng nặng nhất, là người không bảo thủ. Dàn cán bộ biên tập có một số nhân vật như: Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Ý
Nhi, , Nguyễn Phan Hách... Phần lớn những người này đều có điểm chung là không bằng lòng với những “giáo điều văn
nghệ”, không bảo thủ cứng nhắc, đều khát khao những tiến bộ mà sau này là nội
dung của thời đổi mới.
Tôi còn nhớ, mỗi buổi làm việc, chúng tôi thường tụ tập tại
phòng khách nói chuyện hàng tiếng đồng hồ toàn những chuyện của tư tưởng, văn
nghệ, thật tự do, thoải mái, chân thực, “đổi mới”, vô hình trung đó là những buổi “trao đổi” để hình thành nên quan điểm
tiến bộ trong sáng tác, biên tập.
Một lần ông Chế Lan Viên từng trải hơn, thấy “bọn này” nói
năng “thẳng thắn, mạnh bạo” quá, khuyên phải cẩn thận hơn. Ông Viên trước đây làm chức Tổng Biên
tập Tạp chí Tác phẩm mới, tự nhiên có quyết định nghỉ chức . Ông nói nửa đùa nửa thật: “Miễn nhiệm phải có
lý do chứ”. Cho nên ông thận trọng hơn ,dặn “bọn
ngựa non háu đá”. Thực ra, hồi đó chúng tôi đang là “con cưng”. Cấp trên có lần
đột nhiên tăng lương cho vượt hai ba bậc. Lần lượt ai cũng được đi trao đổi văn
hóa ở Liên Xô...
Năm 1980, Nhà xuất bản dịch in cuốn “Chuyện thường ngày ở
huyện” (Liên Xô) Trong đó nội dung phê phán những bất cập, tiêu cực trong đời
sống nông trang tập thể ở Liên Xô. Đây là lần đầu tiên ở ta “dám xuất hiện” nội
dung này, nó bóng gió có gì giông giống như lề thói ở ta. Cuốn sách dày, khó
đọc, chuyện sản xuất khô khan, việc nhiều hơn người, nhưng nó đã như một luồng
gió mới, thổi khắp nước. Chuyện khoanh trong nông trang, nhưng gợi được sự bức
xúc mở rộng ra xã hội lúc bấy giờ.
Tôi “học tập tình thần” đó, viết cuốn tiểu thuyết “Tan mây”
(1981) trong bối cảnh đang có Nghị quyết khoán 10 trong Nông nghiệp, và tôi đã
giám phê phán lề thói cũ.
Trước đổi mới, có bao “vụ án văn chương” làm mọi người e
ngại. Chỉ là mấy bài ký, truyện “Cái gốc”, “Tình rừng”, “Cây táo ông Lành”...
nhưng rất to chuyện. Trước nữa, ông Hà Minh Tuân mất cả chức Giám đốc Nhà xuất
bản Văn học, rời khỏi Hội Nhà văn khi viết tiểu thuyết “Vào đời”. Viết lách, in ấn lúc ấy đâu phải chuyện đùa.
Phạm Tiến Duật ở chiến trường về nhưng cũng bị phê
phán nặng vì bài thơ “Vòng trắng”.
Tuy vậy, thời kỳ quá lo âu đã qua. Vào giai đoạn này ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới “đã mọc” ra một “dàn biên tập”
dám đi tiên phong tư tưởng. Tôi đã viết những câu thơ đăng báo Văn nghệ hẳn hoi
khi miêu tả những con búp bê:
ở một nước nào kia
Búp
bê hình cầm súng
Búp
bê không cần xinh
Không
đẹp nhưng cần đúng
Mặt búp
bê thường thôi
Súng
phải màu đẹp bóng...
Câu thơ nói về nước khác ,
nhưng động chạm đến quan điểm văn nghệ “đẹp và đúng” cái nào cần hơn một
thời...
Tiếp theo “Chuyện thường ngày
ở huyện” tác động vang dội đến tư tưởng người ta lúc bấy giờ,
đến tập “Những người thích đùa” của A zít Nê xin (Thổ Nhĩ Kỳ). Truyện mang tính trào phúng miêu tả mặt trái của xã
hội Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có tính điển hình cho mọi xã hội ở các quốc gia. Truyện
vui, dễ đọc, khắp nơi cười rúc rích. Thực ra thì đời sống xã hội con người ở
đâu, nước nào chả có những bi hài kịch trớ trêu. Càng phương Tây càng lắm.
Nhưng ở ta, quen quan niệm ta không có bi hài kịch, không được viết về cái đó.
Nên đây là lần đầu tiên, người ta hả hê cười với
nhau, cười để thấy cái xấu mà sửa chữa, vậy là rất tốt. Cuốn sách vô hình trung
đã gợi mở hướng nghĩ tiến bộ này cho mọi người. Tác
dụng của văn học vào những thời điểm nào đó, quả là có tác dụng to lớn. Chỉ Nhà
xuất bản Tác phẩm mới, mới in được “Những người thích đùa”, tái bản vài chục
lần, trong bối cảnh lúc đó, là một đóng góp cho đời sống tư tưởng xã hội, cho tiến bộ, đổi mới…
Nếu “Những người thích đùa” dịch in vào
thời điểm hôm nay, chẳng ai quan tâm ,tác dụng
chẳng là bao. Thế mới biết thời điểm ra đời của tác phẩm là quan trọng. Nhân
chuyện này, tôi muốn nói là vào những thời điểm nào đó, công của những người
làm xuất bản là rất đáng ghi nhận. Với một bản thảo, họ có quyền bác, không in,
hoặc để lại, in không đúng thời điểm. Có ai “dắt tay chỉ việc” cho họ đâu. Tất
cả đều do lương tri của họ, sứ mệnh của họ. Họ đã dám ký duyệt in những cuốn
không “suôn sẻ”, và khi ra đời có cuốn đã là những mốc son văn hóa. Sách ra, người ta chỉ ngợi ca tác giả, ai để ý đến “bà
đỡ”. Bà đỡ vụng đôi khi có thể làm nguy hiểm đến “tính mạng” đứa trẻ sơ sinh.
Dư luận đôi khi còn cay nghiệt với họ, vì họ đã cắt đi đoạn này đoạn kia. Ít
người cảm thông cho trách nhiệm của người biên tập và “chịu trách nhiệm xuất
bản”. Nếu vì lý do nào đó mà không ký in cuốn này cuốn kia, còn bị chửi bới,
chê bai là dốt, là hèn. Có một vài Giám đốc, Tổng Biên tập đã bị mất chức vì
các “sự cố”, âm thầm lùi vào bóng tối, chịu phần thua thiệt đời thường…
Năm 1982, với trách nhiệm thường trực Phòng Văn xuôi, tôi
biên tập cuốn “Gặp gỡ cuối năm” của Nguyễn Khải, và một số truyện ngắn của
Nguyễn Minh Châu. “Gặp gỡ cuối năm” in lần đầu 16.100 bản, gây dư luận vang dội
vì sự điêu luyện văn chương, vì những ý tưởng tiến bộ, cởi mở của nó. Nhưng ai
biết đâu, tôi đã phải đề nghị tác giả sửa 11 chỗ. Tác giả
đồng ý sửa 10 chỗ, còn 1 chỗ xin giữ nguyên. Vào thời điểm 1982, bốn năm sau
mới có đổi mới, tôi đã dò từng chữ từng câu của anh Khải, mặc dù anh Khải đang
là thường vụ Ban chấp hành phụ trách khối Sáng tác – Báo chí –Xuất bản. Anh có
thể ghét tôi, thuyên chuyển công tác của tôi. Bản giám định của tôi được người
Biên tập thứ hai là Xuân Quỳnh ủng hộ. Ông Nguyễn Kiên phụ trách, là người đọc
thứ ba. Một cuộc nhóm họp để ra quyết định in. Cuốn sách nổi tiếng vang lừng,
trong họp hành tổng kết luôn nhắc đến nhưng không ai “động viên” biên tập viên
một câu. Ngược lại, nếu có gì “sai chính trị” thì người đầu tiên bị kỷ luật là biên tập từ khiển trách, cảnh cáo, đến buộc thôi
việc. Tôi đã thấy ở nhà xuất bản này nhiều người (trong đó có tôi) đã bị kỷ
luật. Có người đang là Phó Giám đốc mà bị chuyển đi nơi khác. Vì vậy, quyết
định in một tác phẩm “gai góc” không phải chuyện đùa. Mơ hồ, lười nhác, vô
trách nhiệm, hoặc trình độ non yếu bị “lãnh đủ”tức thì. Không có nghề nào “nguy
hiểm”, nhậy cảm bằng nghề biên tập sách văn chương ở Nhà xuất bản Tác phảm mới
thời ấy.
Khi ông Nguyễn Minh Châu gửi đến một loạt truyện ngắn như
cánh én mùa xuân báo hiệu đổi mới, chúng tôi đã chụm đầu vào nhau bàn bạc.
Truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của anh rất hay, (sau được đưa vào dậy trong
chương trình Phổ thông trung học) nhưng lúc đó sao mà ngần ngại. Truyện đại ý
kể về Bức ảnh Chiếc thuyền ngoài xa trong sương mờ
đẹp và thơ mộng, có thể làm bìa lịch được. Nhưng cảnh sống nhà chài trong chiếc
thuyền ấy thì đầy đau khổ, bi kịch. Người ta vào lúc ấy có thể suy diễn Nghệ
thuật của ta tô hồng cuộc sống, không nhìn thấu cốt lõi khổ đau bên trong cuộc
sống v.v… và v.v…
Truyện đánh vào đường lối nghệ thuật của ta chăng? Vào lúc đó là to chuyện lắm.
Tôi đã ký chữ ký thứ nhất, người biên tập, vào bản thảo in truyện ngắn này, bên cạnh các chữ ký
ủng hộ của Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, và chữ ký duyệt của anh Nguyễn Kiên.
Truyện vừa “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” của anh
Châu có hình ảnh cô gái điên đi trên con tàu vô định. Lại “phiền” nữa. Tôi lúc
đó chỉ là học trò của anh Nguyễn Minh Châu. Nhưng “học trò” vẫn cứ phải đề nghị
“thầy” sửa chữa 5 chỗ trong thiên truyện vừa này. Thầy biết tình hình lúc đó
nên cũng đành nghe theo. Trò cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng trò phải làm phận
sự của mình, không thì trò cũng chết. Nhà văn viết ra, nếu là nhà văn lớn, có
địa vị ,thì có thể chỉ bị “phê bình”, còn “thằng biên tập” mà
để lọt tác phẩm có vấn đề thì chỉ có nước “chuyển công tác”!
Loạt
truyện ngắn của anh Châu ra đời, được hoan nghênh nhiệt liệt. Báo Văn nghệ
chuẩn bị hội thảo khen ngợi. Vậy mà anh Châu gặp tôi “mặt nhăn như bị”. Anh
nói: làm thế nào để họ thôi cuộc hội thảo này, nhắc đến thêm rầy rà, cứ để cho
người ta “quên” đi.
Tôi hiểu tình hình, hiểu tâm trạng anh. Phân tích đến cùng
cái truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” thì anh Châu gay!
-Tao lo lắm… Có một luồng dư luận
đang suy diễn quy kết tao - Anh nói - Tao nghĩ ra mẹo rồi. Tao sẽ viết nhanh
một cuốn tiểu thuyết lấy tên “Mảnh đất tình yêu”, chủ đề ngợi ca quê hương, tư
tưởng lành mạnh trong sáng, như tiếng hót của chim
sơn ca ca ngợi cuộc sống. Mày in nhanh giúp tao, để đanh bạt dư âm của các
truyện ngắn “có vấn đề” kia.
Anh Châu viết trong một tháng xong. Truyện kết cấu chặt chẽ,
ngôn từ đẹp, tư tưởng trong sáng, toát ra tư duy ngợi ca cuộc sống của tác giả.
Tôi cũng giúp được việc in nhanh. Sách ra, anh vui sướng như hất được tảng đá
trên vai. Quen được mọi người chú ý, viết ra cái gì là báo chí, các nhà phê
bình bình luận, lần này anh Châu đón đợi các bài khen ríu rít “Mảnh đất tình
yêu” để át đi dư luận xầm xì về loạt truyện ngắn “cấp tiến”.
Đợi
mãi, đợi mãi, chả có ma nào thèm để ý đến “Mảnh đất
tình yêu . Tịnh không một lời
nhắc đến. Anh Châu ngạc nhiên thật sự. Tôi vẫn là người anh tin tưởng, tâm sự.
“Sao thế mày, anh hỏi”.
-
Còn sao nữa… -
Tôi mỉm cười.
- Tao
hiểu rồi mày ạ - Anh nói – Thôi bây giờ mày viết hộ tao một bài khen cuốn này,
để “đánh động” cho thiên hạ biết.
-
Em biết gì mà dám
viết về tác phẩm của anh .
- Thôi
thế này vậy. Tao sẽ tự viết. Nhưng đứng tên mày. Bài báo ký tên mày.
Bài
báo in trên tạp chí “Tác phẩm mới”, nhưng cũng chả ai thèm đọc, chả ai thèm để ý. Trong khi
thiên hạ cứ không chịu quên đi các truyện ngắn cho anh nhờ…
Riêng tôi, rất “khoái chí”, vì có hẳn một nhà văn bậc thầy
phải viết bài “hộ” mình, còn mình thản nhiên lĩnh nhuận bút!
Năm 1983 nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi đến Nhà xuất bản Tác
phẩm mới bản thảo kịch “Giấc mơ”. Anh Thi giữ chức Tổng thư ký (tức chức danh
chủ tịch) Hội Nhà văn tới 30 năm, uy tín của anh là bao trùm. Anh là lãnh đạo
phong trào văn học cả nước, là “cầm cân nẩy mực” văn chương.
Tôi được phân công biên tập cuốn này. Đọc đi đọc lại cả tuần,
tôi “vắt óc” viết bản giám định dài. Trích một đoạn: “Giấc mơ chứa đựng trong
đó một triết lý về giá trị cuộc sống , về tình thương. Nội dung hàm súc, từng
câu từng chữ tâm huyết, ý tứ tiềm tàng. Nó khác hẳn loại kịch nội dung nông
cạn, sơ giản một chiều từng thấy. Có thể gọi là một vở kịch hay.
Về cơ bản, vở kịch mang tinh thần lạc quan. Ở đây là hình ảnh
người chiến sĩ chiến đấu vì sự sống, vì tương lai, vì những gì cao đẹp của cuộc
đời này. Anh biết giá trị cuộc sống không phải ở quyền uy vinh hiển, ở của cải
vật chất. Anh dám chấp nhận hy sinh, và trong thực tế anh đã thiệt thòi, bị mất
đi những hạnh phúc đời thường. Nhưng anh là vĩ đại, anh tỏa sáng chân lý. Hình
tượng anh chia ánh sáng những ngọn đèn cho các em nhỏ ở cuối rất đẹp. Phải nhìn
thẳng vào sự hy sinh đau xót của cuộc đời, không thể dùng lãng quên để cứu con
người vượt qua chông gai đời thường. Yêu thương tạo nên nguồn nghị lực không
cùng của sự sống! Tôi nhận thức ở hướng chính diện là như vậy… Nhưng như thế
không phải là tôi không băn khoăn khi đứng ở góc độ biên tập (thời điểm này là
1983). Cái ý tứ trong kịch về quyền uy đại đế, hồn ma, hạt bụi… có thể bị suy diễn những ẩn ý không lợi nào chăng. Và
hình tượng người anh hùng ở đây có cô đơn không? Người anh
hùng thân thể tật
nguyền, kỷ niệm quên lãng, hạnh phúc tan vỡ… Anh sống với khóm tre xanh, và
những ngọn đèn ông sao…”.
Sau đó, Lê Minh Khuê viết giám định.
Chúng tôi ra sức phân tích tác phẩm. Cuối cùng Tổng Biên tập, và Giám đốc đều
đọc, nhưng không dám có quyết định. In một cuốn sách lúc đó quan trọng như thế đấy..
. Tôi được lệnh đem bản
thảo lên một đồng chí có quyền cao hơn xin ý kiến. Đồng chí lãnh đạo cũng viết giám định rất dài khẳng
định đây là vở kịch rất tốt. Tuy nhiên đồng chí e ngại những đoạn viết về
Cờlêôpác, Tần Thủy Hoàng… sẽ có người nghĩ là tác giả đã đi quá xa…
Cuối giám định, ông viết: “Theo tôi kịch bản này có thể in
được, còn quyền quyết định in hay không thuộc về Nhà xuất bản. Cần góp ý với
tác giả xem lại miêu tả “sự lú lẫn” của nhân vật. Nó vừa hợp lý vừa không hợp
lý v.v… và v.v…
Người biên tập chính của đội hình biên tập những cuốn sách
đặc biệt giống như anh tiểu đội trưởng trong trận đánh, phải xông lên hàng đầu, và có thể phải “hy sinh” một mình anh ta.
“Giấc mơ” sao đó đã được ra đời. Cũng là một cái mốc về sự
khai thông nào đó.
Sau đấy, anh Thi còn gửi đến vở
kịch “Tiếng sóng”, quá trình biên tập không gian nan bằng, nhưng cũng phải bốn người biên tập, bốn bản giám định và một cuộc họp
toàn thể để ra nghị quyết…
Từ năm 1986, nhiều tác phẩm văn nghệ đổi mới, như mùa hoa nở
rộ. Nhưng phải nói trước đó nó đã được hoài thai âm thầm, mà Nhà xuất bản Tác
phẩm mới lúc đó đã góp sức vun xới ươm mầm.
Tác phẩm thật sự “nổ bung” là tiểu thuyết “Thời xa vắng” của
Lê Lựu. Người biên tập chính là anh Trần Vũ Mai. “Thời xa
vắng” thật sự là tác phẩm điển hình mở màn thời văn nghệ đổi mới. Nhiều nhà văn
làm việc ở các Nhà xuất bản khác đều nói :chỉ Nhà xuất bản Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt
Nam mới được trao “sứ mệnh” cắm cái mốc son này. Cuốn sách làm thay đổi tư duy
cũ của nhiều cây bút. Họ hướng về Nhà xuất bản Tác Phẩm mới. Nhà xuất bản có
thương hiệu mạnh hẳn lên. Cuốn sách được dịch ra quốc tế, và Lê Lựu là nhà văn
mở đầu đi giao lưu văn hóa ở Hoa Kỳ.
Chính sự vang dội mở màn của “Thời xa vắng” đã mở đường cho
một số tác phẩm đổi mới sau này dễ dàng ra đời. Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết
“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Nếu “Nỗi buồn chiến tranh” bị nhà xuất bản
chùng trình, xếp lại, nghe ngóng, chờ đợi vài ba năm sau mói cho in, thì chưa
chắc nó đã được đón nhận như đã diễn ra trong thực tế.
Hội nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cuốn này.Có người trách tôi : Tên
sách Nỗi buồn chiến tranh hay thế tại sao khi in anh lại đổi thành tên sáo rỗng “Thân phận của tình yêu”.
Khi nhận bản thảo của Bảo Ninh,
tôi đọc, bị cuốn hút ngay, nhưng không phải không có phần lo lắng, thậm chí quá
lo lắng. Tôi có thể trả lại bản thảo này, như vậy nhẹ nhàng, thanh thản cho
tôi. Nhưng trách nhiệm không cho phép tôi làm việc đấy. Tôi nói: Anh nên đổi một
nhan đề khác, cho “mềm” hơn, “dễ lọt” hơn. Bảo Ninh về nghĩ năm nhan đề mới,
trong đó có nhan đề “Thân phận của tình yêu”. Và tôi đã chọn tên này. Đồng
thời, tôi cũng phải đề nghị Bảo Ninh sửa chữa, cắt bỏ một số chi tiết. Nhà văn
nào cũng “ghét” nhất việc anh Biên tập góp ý, sửa chữa, cắt bỏ. Anh biên tập
không hiểu tác phẩm không thể góp ý xằng. Anh Nguyễn Kiên là người đọc duyệt
“Nỗi buồn chiến tranh”, ý kiến của anh trùng hợp
với ý kiến của tôi. Và lúc này trong không khí đổi mới
mạnh mẽ, nhà xuất bản đã cho ấn hành.
Mấy năm sau nhà xuất bản còn phải xử lý nhiều bản thảo “gay
cấn” hơn thế nhiều. Tùy, có cuốn in, nhưng cũng gác lại một số. Lúc đó, là
người có chức danh “chịu trách nhiệm xuất bản” ghi ở trang xi nhê, tôi phải quyết đoán
trong nhiều trường hợp khó khăn, vừa phải trong quỹ đạo đổi mới, nhưng đồng thời
vừa phải giữ cho Nhà xuất bản tồn tại yên ổn. Nghề xuất bản một thời với tôi
thật chẳng dễ dàng gì…
Đại
Yên 5- 2013
vvvvvv