Nhà thơ đang vào thu
Tôi gặp Nguyễn Phan Hách vào một chiều thu
và khi chính anh cũng đang vào thu, một mùa thu đẹp và thăng hoa của sáng tạo
nghệ thuật. Anh tặng thôi tập thơ Vô tình,
một tập thơ dày dạn với 135 bài thể hiện rất nhiều cung bậc tình cảm và
cũng nhiều lối viết khác nhau. Có lẽ qua thơ, anh muốn tạo ra một sức mạnh tổng
lực để gây dấu ấn trong bạn đọc và tôi nghĩ là anh đã phần nào thành công.
Nguyễn Phan Hách mạnh về thơ tình với cái chất lãng mạn mộng mơ vốn có của anh
ở các tập thơ trước như Hoa sữa , một
tập thơ tôi nghĩ là được không ít bạn trẻ yêu thích, đặc biệt là các bạn
nữ. Nhưng ở tập thơ này, thơ tình của
anh đa cung bậc hơn, tình yêu trong thơ anh thể hiện từ cái mộng mơ ban đầu “Nắng hạ về như tuổi hồng thiếu nữ/ Đường
đến trường bát ngát bằng lăng/ Hoa mang sắc tình đầu thơ mộng/ Tình như hoa tím
ngát không gian” (Mong manh) đến
những mối tình đơn phương tan vỡ “Còn tôi
thì chả có gì/ Gối cô đơn với ôm ghì nỗi đau” (Mua gối), từ tình yêu sét đánh “Hai
chúng mình thuở ấy/ Em có nhớ không em/ Gặp nhau lần đầu tiên/ Cú va chạm khủng
khiếp/ Là vụ nổ Bic Bang/ Hình thành nên vũ trụ” (Bic Bang) đến tình yêu yếu ớt cam chịu “Em không hề yêu anh/ Nhưng chấp nhận số phận/ Chúng mình ở bên nhau/
Bình yên trong uất hận” (Mâu thuẫn).
Thơ anh còn đa chiều trong sắc thái, nhiều cung bậc yêu đương, từ cái mạnh mẽ
chân thật “Ta yêu nhau như hành tinh lực
hút/ Em quyền năng như tạo hóa mênh mông” (Đích) đến cái “giả dối” cũng rất đáng yêu trong tình yêu “Ngày xưa anh hứa với em/ Hái cho em đóa sao
đêm sáng ngời/ Bao nhiêu năm đã qua rồi/ Ngôi sao ấy vẫn trên trời xa xăm”
(Sao). Tình yêu trong “Vô tình” được thể hiện ở rất nhiều giai
đoạn, nó có cái háo hức trào dâng đáng yêu của tuổi trẻ, “Tôi có bao nhiêu yêu thương/ Mà không có địa chỉ để gửi” (Gửi), có cái chán nản khi thất tình “Cô đơn - chiếc bánh vô hình/ Để tôi gặm
nhấm chút tình cô đơn” (Cô đơn),
có cái chất thế sự suy ngẫm của người từng trải “Anh đã hiểu tình yêu là có thật/ Nhưng dễ dàng tan biến làm sao” (Chia tay), có cái tình yêu khi không
dừng ở tình yêu mà đã bước sang trạnh thái tình nghĩa “Ta đã sống bốn mùa ấm lạnh/
Trong vui buồn chua xót sẻ chia” (Mỗi
chiều qua). Đó cũng là cái hay, cái sâu lắng mà tôi nghĩ ở những nhà thơ
trẻ khó có thể có được . Âu đó cũng là ưu thế của những nhà thơ đã vào thu như
anh. Tôi tìm mãi trong 135 bài thơ chẳng có bài thơ nào là “vô tình” cả, đúng ,thơ
anh chẳng hề vô tình, đó là nơi để anh giãi bày tình cảm và tâm sự với vô tận
mai sau. Anh trải lòng mình trên những con chữ
để đem phơi trong gió heo may se lạnh của mùa thu. Sự “Vô tình” mà anh đặt tên cho tập thơ ở
đây theo tôi nghĩ có lẽ anh đến với thơ như cái duyên gặp gỡ tình cờ, đó là cái
sự đời không thể sắp xếp như kiểu “Cái
duyên cái số nó vồ lấy nhau”, đúng vậy cái duyên, cái tình, cái xúc cảm thơ,
cũng như sự bột phát của trái tim nào ai có thể sắp đặt được, tất cả đều tự
nhiên tồn tại như chính cuộc sống hồn nhiên vốn có của nó, đó cũng chính là bản
thể nghệ thuật.
Tôi thích cái chân thật trong bài thơ “Tuổi”
của Nguyễn Phan Hách: “Đã sang tuổi lục
tuần/ Nghe già đến phát khiếp/ .../ Bao khao khát ngày xưa/ Vẫn không hề suy
giảm/ Bao cảm xúc non tơ/ Không mảy may chai sạn/ Vẫn háo hức ham chơi/Vui đâu
thì chầu đấy/ Mắt thấy người đẹp xinh/ Vẫn như sao lấp láy/ Ngoảnh lại thấy hơi
nghèo/ Cũng giật mình hơi chán/ .../ Lại nhăn thở cười vui/ Hết chuyện trời
chuyện đất/ Thỉnh thoảng Đời khẽ nhắc/ Thưa ông ông đã già...”. Đó là những câu thơ tự
trào thật hay, một bài học đáng quý. Cái già trong cuộc sống là quy luật của
tạo hóa, nhưng người thơ cũng như thơ ca là ngoại lệ của sự sinh tồn thường
nhật, nghệ thuật không già vì biết lưu giữ sự tươi mới của ký ức trẻ, không già
vì người thơ là kẻ biết luôn sáng tạo, biết tự làm mới, họ luôn thật lòng với
mình, biết yêu đời và yêu cuộc sống và vì vậy cuộc sống trả ơn cho nhà thơ bằng
ngoại lệ là sự tươi trẻ của tâm hồn, âu đó cũng là thường tình và công bằng. Có
lẽ trường hợp Nguyễn Phan Hách cũng vậy. Có thể nói Nguyễn Phan Hách là nhà thơ
có chuẩn thẩm mỹ đã được định hình và đặc biệt thăng hoa trong các bài thơ hồi
tưởng về quá khứ, như trong bài “Sắm tết
tuổi thơ” “Mẹ xưa đi chợ ngày giáp
tết/ Bán lá thu vàng, bán gió đông/ Mẹ mua chút nắng mùa xuân mới/ Đựng trên gò
má thắm tươi hồng”. Những câu thơ xao xuyến, đẹp và xiết bao trìu mến “Mẹ đựng mưa hoa trong nón trắng/ Bao xanh
vạt áo đựng gió trời/ Mẹ bán vầng mây hiu hắt cũ/ Mua chút mây vàng náo nức vui”.
Hình tượng mẹ được gợi nhớ gắn bó trìu mến da diết trong hình tượng quê hương. Người mẹ trong thơ
anh luôn gắn với kỷ niệm trong sáng của tuổi thơ, trở thành ký ức mãi không
phai mờ “Bao năm tháng rồi, không còn mẹ/
Ai người mua sắm Tết tuổi thơ/ Bán nỗi cô đơn buồn hiện tại/ Mua lấy mùa xuân
những thuở xưa”. Tôi phục anh với những câu thơ đẹp xiết bao trực cảm “Cúc vàng run rẩy giậu thưa/ Ao quê lướt
thướt sợi mưa thu gầy” (Cảnh quê).
Nguyễn Phan Hách hay viết về làng quê quan họ của anh và anh đã sớm nổi tiếng với bài thơ “Làng quan họ quê tôi” được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc trở nên nổi
tiếng. Đó là sự hội ngộ thành công của thơ và nhạc.
Có thể nói Nguyễn Phan Hách có duyên với
thể thơ năm chữ. Bài “Nắng” với lời
thơ gợi, trong vắt, lắng hồn vào quá khứ “Mỗi
độ tháng ba về/ Nắng hong phơi ký ức/Lạc thời gian ba chiều/Vào tuổi thơ trong
vắt/Khoảnh khắc nắng đầu thu/ Nhớ tình đầu thơ dại/Em ở đâu bây giờ/ Trong ta,
em trẻ mãi/Nắng rưng rưng tháng Chạp/Đem cô đơn hong phơi/Ta đi cùng với bóng/
Để cho thành một đôi”. Nguyễn Phan Hách là người thơ đa tình, ngoài làm thơ
anh còn viết truyện ngắn và tiểu thuyết và văn anh cũng mộng mơ, giàu chất thơ
lắm. Đó cũng là ưu thế của các nhà thơ khi viết văn xuôi.
Có thể nói phần đặc sắc trong tập thơ “Vô tình” là những bài anh viết về nhân
tình thế thái, và về thời cuộc hôm nay. Nó đáng quý vì nó là cách nhìn riêng
của anh, một cái nhìn dân giã mà cũng đầy chiêm nghiệm của một nhà thơ đang vào
thu. “Ai sinh ra đất ra trời/ Ta sinh ra kiếp
con người làm chi/Cuộc đời có lý cực kỳ/Nhưng mà phi lý cũng thì tương
đương/Sắc không ấy vốn lẽ thường/Khát khao cùng với chán chường ngang nhau”.
(Ai sinh...). Nhà thơ như cảm nhận
được sự cân bằng của trời đất, đó là quy luật của thiên nhiên vũ trụ. Và trong
cuộc đời con người cũng “Sướng vui liền
với khổ đau/ Mò tìm chân lý biển sâu dặm dài/Sợ thay cái kiếp làm người/Nhưng
rời nhân thế đồng thời sợ hơn”. Những câu thơ giản dị như lời nói chân quê
nhưng làm ta giật mình. Anh có bài thơ thế sự theo tôi là khá hay “Nỗi lo”, có lẽ đây cũng là bản chất
của cuộc đời hôm nay cũng như mai sau “Ai
đi trên đường phố ban mai/ Bóng nỗi lo đổ dài trên nắng/ Em giấu nỗi lo trong
nụ cười/ Không giấu được nỗi lo trong ánh mắt/ Nâng ly rượu ồn ào phút chốc/ Dư
vị nỗi lo chợt đắng làn môi/ Nào ai biết trước nỗi lo nào/ Sẽ đến với từng số
phận/ Trong màu hoa hồng thắm/ Có nỗi lo phai tàn/ Trong sắc tươi lá biếc/ Có
nỗi lo thu vàng.../ Nỗi lo là hành trang định mệnh/ Của mỗi kiếp người...”.
Những câu thơ gợi bao suy nghĩ về cuộc sống. Những lo âu đều có trong các bài “Mất cắp tượng phật”, “Làm người”, “Di sản”, “Manơcanh không đầu”,
“Thiếu”. Bài “Giao thừa thiên nhiên kỷ” phản ánh được sự chuyển mình linh thiêng
của thời gian và trời đất “Đêm nay/ Không
giờ không phút/ Cha tặng con thế kỷ 21/ Khoảnh khắc diệu kỳ/ giao thừa thiên
nhiên kỷ/ 1000 năm mới có hôm nay/ Đời diễm phúc là người chứng kiến/ Đếm trên
tay những phút giây này”. Phải chăng đó là cuộc giao ban giữa hai thế hệ: “Cha gánh trên vai thế kỷ 20/ Thế kỷ dữ dằn
bão tố/ Những trận lụt hành tinh máu đổ/ Sắt thép ngông cuồng đè nát cỏ xanh”.
Đó là cái phần gian khổ nhất mà thế hệ cha anh đã gánh chịu để đem cho thế hệ
sau “Xin tặng con thế kỷ mới trong lành/
Thế hệ cha đã giành giật được/ Như cuốn vở thời gian trắng muốt/ Đừng để cháy
vèo trong khói lửa bạo tàn”. Theo tôi đó là những câu thơ tâm huyết anh nói
hộ cho cả thế hệ mình, một thế hệ mà phần lớn cuộc đời trôi qua trong chiến
tranh gian khổ, trong đó có những nhà thơ như anh hôm nay cũng vào thu, cái
tuổi mà quả ngọt trí tuệ đang ứng chín với biết bao ngọt lành. Tập thơ có đôi bài ở dạng thể
nghiệm, cái sự dở dang được mất của chúng còn đang nằm trong “tập mờ” của tương
lai. Cũng vậy, có những chữ người thích,
kẻ bảo chưa được... Nhưng theo tôi không chỉ lớp trẻ đang thể nghiệm cái mới mà
cả những nhà thơ đang vào thu cũng đang thể nghiệm cái mới. Điều đó suy đến
cùng là đáng quý lắm. Đúng vậy được mất là quy luật của trời, còn những người
thơ chỉ biết thể hiện cái sự tồn tại của mình trên cõi đời này bằng cách sáng
tạo và không ngừng đổi mới.
VÕ GIA TRỊ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét