Cội
nguồn bài thơ
Truyện ngắn
Đêm hè, gió sông Cầu thổi lên mát rượi.
Trong ngôi nhà gần cổng ô tỉnh lỵ Bắc Ninh, mấy cô gái đang ngồi “xeo” giấy
dó. Những tờ giấy như được đan dệt bằng muôn ngàn sợi tơ nhện: “Hoa Tiên”,
“Vân Lệnh” - loại giấy xưa từng viết chiếu chỉ vua ban…
Nghề cổ truyền của làng. Những cô gái bao đời đã vừa ngồi “xeo” giấy dó. Và vừa
ngồi hát quan họ như thế, cũng đã bao đời.
Trăng vàng gác mái tam quan
Đêm nằm tưởng nhớ người ngoan, em buồn…
Bên ngọn đèn dầu cửa sổ tò vò, tôi, cậu
học trò từ xa đến đây trọ học đang ngồi cắm cúi học bài. Tiếng hát làm cậu
không sao tập trung học được những công
thức toán, lý khó nhớ.
- Ra đây chơi đã, cậu H. ơi. - Các chị
gọi.
- Các chị dậy em hát với - Tôi nói.
- Ừ, hát đi.
Rủ nhau gặt lúa đêm trăng
Gặt lấy lúa vàng, gặt cả trăng thanh
Em ơi, thửa đất ruộng của chúng mình,
càng gặt càng thơm.
- Chị ơi, sao gặt được ánh trăng. Mà sao
càng gặt lại càng thơm.
- Ừ, trăng và lúa quan họ nó thế đấy.
Cậu còn bé lắm, chửa biết đâu.
“Gặt trăng thanh”, và “càng gặt càng
thơm”… các chị có biết
đâu đấy là bài “nhập môn” về nghệ thuật thơ mà các chị đã vô tình dậy
“miễn phí” để tôi trở thành “nhà thơ “sau này.
… Mười năm sau
trong Hội diễn quan họ tỉnh, có một cô gái nhỏ, mặc áo “đồng lầm”, khoác áo ba
tầm bước lên sân khấu lanh lảnh giọng chuông vàng:
… Gặt lấy lúa vàng, gặt cả trăng thanh
Em ơi, thửa ruộng của chúng mình, càng
gặt càng thơm.
Tôi đứng đợi cô gái
nhỏ bên cánh gà.
- Chào T.V., câu hát của em làm tôi nhớ
nôn nao ngày ấy…
- Anh H. phải không? Mẹ em biết anh đấy.
Anh xưa trọ học ở nhà em mà.
Lúc đó em còn bé tí. Nhưng em vẫn nhớ
anh hay ngồi ở cửa sổ tò vò.
- Em mới được tuyển vào Đoàn Văn Công à?
- Vâng.
- Em đẹp quá…
và hát hay quá.
Cuộc gặp chỉ có thế. Hôm sau tôi về Hà
Nội. Tôi đang theo học lớp viết văn của Hội Nhà văn. Tôi là cán bộ của Ty Văn
hoá. Biên tập, sáng tác văn thơ, sưu tầm nghiên cứu Dân ca quan họ…
Hình ảnh T.V. không rứt khỏi đầu óc tôi.
Cô như là biểu tượng của miền quê Kinh Bắc. Cô là hồn xứ sở, là tình yêu, là tất cả…
Một buổi chiều chủ
nhật, tôi đến trường “Nghiệp vụ Văn hoá” Hà Nội, nơi T.V. cũng vừa từ tỉnh ra
đây học bổ túc. Hai người rủ nhau đi chơi. Sang
thu, sương chiều bảng lảng, hoa sữa đường Nguyễn Du bên hồ Thiền Quang phảng
phất. Hai người ngồi xuống ghế đá. Sóng hồ man mác, sương hoàng hôn càng nặng
hạt, hoa sữa càng ngào ngạt. Mái tóc và vạt áo T.V. đẫm mùi hoa. Và khi tôi cầm
tay T.V. đưa lên môi, bàn tay cũng như toả mùi hoa sữa.
Lòng tôi muốn yêu mà chưa dám nói. Còn
T.V. đi chơi cũng là theo phép lịch sự. “Hai anh em” cùng cơ quan ra đây học,
“đất khách quê người”, tình đồng hương. Và ngay cả khi tôi cầm tay T.V. đưa lên
môi, cô ngỡ ngàng nhưng không nỡ giật lại. Cô còn bé quá, chưa biết tình yêu là
gì…
- Vừa rồi, mới phát hiện được một làn
điệu quan họ cổ, bị bỏ quên, không ai biết…
- Bài “Bây giờ chia rẽ đôi nơi”
chứ gì - T.V. cướp lời - Em cũng hát được rồi.
- Bài ấy đúng là tuyệt tác, sánh ngang
bài “Người ở đừng về”.
- Bây giờ chia rẽ đôi nơi…
(ì í i). Ruột tằm (tang tình) chín khúc như khơi mạch sầu (tình tang tính, tính
tang tình) đang vui như thế này, chúng tôi trở ra về, liệu có nhớ chúng tôi
chăng…
Giọng T.V. trong vắt bên tai. Tôi lẩm
nhẩm hát theo. Khúc hát láy đi láy lại, thiết tha…
Nhưng đúng là điềm gở. Ngay buổi đi chơi
đầu tiên, chưa giám cả ngỏ lời, mà đã dạy nhau bài “Chia rẽ đôi nơi”.
Sau này tôi cứ nghĩ mãi về điềm gở ấy. Trong cái “Mùa hoa sữa tình đầu” mơ hồ
và đơn phương ấy, hai người còn đi chơi nhiều buổi. Hồ Tây, công viên…
Ly cà phê ngọt ngào, mắt nhìn nhau sóng sánh…
Nhưng cái mệnh đề “Anh yêu em” vẫn chưa được truyền đi như một thông điệp chính
thức. Dù quen cả mẹ người ta, mà vẫn
“sợ” người ta…
Nhưng mà có “đơn
phương” không nhỉ, dù đúng là còn mơ hồ, “đơn phương” sao “người ta” lại cho
cầm bàn tay người ta và bảo: bàn tay thơm mùi hoa sữa. Hoa sữa ở trên
cây chứ đâu ở đây. Người ta biết thừa, chẳng qua người ta còn hơi bé nên mới
không rõ rệt ý tứ gì mà thôi.
- Em có nhớ những
ngày hội hát quan họ quê mình. Những người mẹ, người chị áo tứ thân đứng hát.
Câu hát như mạch nguồn chảy hết từ đời này qua đời khác.
- Và bây giờ đang chảy trong anh và em.
- T.V. ơi, anh muốn nói…
- Nói gì, nói đi…
- Không. Để anh viết thành thơ.
Và khi đọc thơ thì em khắc hiểu những gì
anh muốn nói với em.
Tôi đã viết rất nhanh bài “Làng quan
họ”. Tình yêu với T.V., với miền quê quan họ đã khơi nguồn dào dạt trong
tôi.
Hôm báo Văn nghệ đăng bài thơ, tôi mua
một tờ ở quầy bưu điện Quan Thánh rồi đi thẳng đến trường “Nghiệp vụ Văn hoá”.
Xe vừa lượn vào cổng trường, bóng T.V.
đang thấp thoáng ngoài hiên, vụt biến đi đâu mất. Tôi đợi, như mọi lần, để đi
chơi. Và lần này để tặng bài thơ như đã hứa. Đợi, đợi mãi không thấy. Một cô
gái khác bước ra.
- Đừng đợi nữa. Về đi. Đừng buồn…
T.V. trốn, không muốn gặp anh đâu.
- Sao cô biết?
- Em biết. Thế mới tài chứ.
Tờ báo có in bài thơ “Làng quan họ”
rơi xuống đất lúc nào, tôi cũng không buồn nhặt. Lững thững dắt xe ra phố. Mặt
ngẩn tò te.
Một ngày mưa thu, cách cái ngày “định
mệnh” kia ít lâu, tôi đã bình lặng trở lại. Trong ngôi làng ngoại ô tỉnh lỵ Bắc
Ninh - nơi đoàn văn công đang dựng tiết mục, tôi lại tìm gặp T.V. với tư thế
“anh giai” đĩnh đạc. Hai người đều kết thúc khoá học tại Hà Nội, và đã trở về.
Chúng tôi đứng trên bậc đá rêu ướt rượt ngõ nhỏ, dưới làn sấu thấp la đà. Sấu
chín vàng đầu mùa thu rủ sát môi, kề răng là cắn được. T.V. cầm chiếc nón che
chung cho hai người.
- Em mới 18 tuổi, chưa dám nghĩ đến
chuyện yêu đương. Mới vào Đoàn, hát hỏng chửa ra gì, nghề nghiệp chưa đâu vào
đâu, đã đắm đuối vào chuyện yêu đương Đoàn họ đuổi thì chết. Phải lẩn tránh
anh, em cũng khổ lắm. Tha thứ cho em…
Đừng giận em… Và đừng buồn
nhé!
Buồn hay không kệ xác người ta, việc gì
đến ai… - Tôi định nói,
song lại thôi.
T.V. đưa tay vặt một trái sấu chín đưa
lên môi, cắn dập, môi ngào ngạt hương sấu.
Nhớ về em năm tháng thơ ngây
Trái sấu rủ tầm tay hai đứa
Nón che chung trời mưa lổ đổ
Đôi môi hương sấu chín dịu chua.
Khi những câu thơ của buổi chiều gặp gỡ
dưới tàn sấu mưa thu hôm ấy đăng trên báo, Xuân Diệu gặp tôi bảo:
- Người ốm thì người ta nói là môi
chua. Cậu đi ca ngợi môi người yêu chua!
Âý đấy! Lại một lần nữa ứng vào điềm gở.
Thơ với chả thẩn, khổ thế đấy!
Năm 1978, bài thơ “Làng quan họ”
được phổ nhạc, trở thành bài hát quen thuộc. T.V. lúc ấy đang ở Đoàn, nhưng chỉ
là diễn viên tầm tầm. Nhiều lần cô trình diễn bài này, nhưng hoàn toàn không
biết cội nguồn đầu tiên của nó chính là mình. Và có lẽ chính vì thế mà tiết mục
của cô hơi vô cảm, không để lại ấn tượng gì đặc biệt.
Nhưng với tôi thì mỗi khi khúc nhạc “Làng
quan họ quê tôi” cất lên, tôi lại thấy trước mặt mình hiện ra hình ảnh T.V.
với bối cảnh buổi đầu đi chơi bên nhau, bên hồ Thiền Quang ngạt ngào hương hoa
sữa. Bởi chính từ hình ảnh T.V. ngày ấy mà tôi viết được bài thơ này. Chút tình
đầu kỳ diệu ấy đã khơi nguồn thơ tôi một lần. Một lần, và hình như là chưa đủ.
Trái tim tôi vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm xưa…
Một hôm, sau bao nhiêu năm, tôi trở lại đúng chiếc ghế đá bên hồ mà hai người
đã ngồi năm xưa, và chính ở nơi đây những dòng thơ của bài “Hoa sữa” đã
run rẩy hiện hình.
Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Một sớm mai, em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.
Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh.
Tại vầng trăng, tại em hay tại anh
Tại sang đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình, tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay.
Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
Không phải thời Rô-mê-ô và Ju-li-ét
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương.
Chỉ mùa thu tròn vẹn yêu thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của mối tình đầu nhắc nhớ
Có hai người xưa đã yêu nhau…
Bài thơ của tuổi thiếu nữ mộng mơ, của
tình đầu, thường được các cô gái chép trong sổ tay, và cũng được một nhạc sỹ
phỏng theo để viết bài hát “Mối tình đầu” mà tuổi trẻ rất thích. Con gái của
T.V. cũng từng chép sổ tay bài thơ ấy. Nhưng tất nhiên là cô đâu biết cội nguồn…
Câu chuyện thật về hai bài thơ của tôi sao có gì giông giống một truyện ngắn nhỏ hư
cấu…
Nguyễn Phan Hách