Bến Tầm Dương
Truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách
Khóa Mẫn thuê con đò dọc có chiếc buồm Cánh dơi mùi
nhựa nâu còn thơm phức. Ông lái đưa chàng xuôi sông Đào.
Thuyền nhẹ tênh, hành trang chỉ có chiếc
tráp khóa bạc, và ống quyển sơn son. Lều chõng đã để lại nhà trọ Thành Nam,
tiểu đồng đã cho về quê trước để kịp thông báo với thầy mẹ cái tin chả biết là
vui hay buồn: Khóa Mẫn đã đỗ Tú Tài kỳ thi vừa rồi. Ngoài ba mươi tuổi, học từ
lúc để chỏm, qua ba bốn kỳ thi Hương, trượt vỏ chuối, kỳ này mới đỗ được một
chút, để là Cậu Tú, chứ đã được bổ nhiệm chức tước gì. Rút cuộc thì vẫn cứ là
“dài lưng tốn vải” “đèn chong tốn dầu”.
Nhưng dù sao thì sau lần này cũng thoát
khỏi cái danh xưng “anh Khóa” mốc thếch, hãm tài, đeo đẳng mình cả chục năm
nay... “Khóa... Khóa”. Nó cứ như là cái
khóa, khóa đời mình lại. Tuy vậy, Khóa
Mẫn cũng tự lượng sức mình sau kỳ thi này. Có học thêm nữa thì rồi vẫn cứ thế
thôi. Văn chương trường ốc trời ơi khó
quá, chán rồi, mệt rồi... Mà sao lại cứ phải đi thi đi cử mới được nhỉ? Không
thi thì đã chết ai…
Con đò từ sông Đào rẽ vào ngọn Tiểu Khê,
hai bên thấp thoáng dải đồi, non xanh nước biếc, hoa vàng. Cập Bến Đá, khóa Mẫn
lên bờ. Xóm đồi trung du thanh bình đẹp như tranh vẽ. Tiếng gà trưa buồn buồn
vọng trên lối sỏi. Những mái nhà ngói cổ rêu mốc âm u trong các khu vườn mênh
mông rợp bóng cổ thụ, ngăn cách nhau bằng những rặng cây xanh, trúc vàng, tường
đá ong, ngòi nước trong leo lẻo. Mùi nhựa lá vàng rụng thoang thoảng lẫn mùi
hoa dại cay hắc.
Cậu Tú Tân khoa Đức Mẫn, vai đeo khăn gói,
bước nhẩn nha. Những chiếc cổng gạch lẫn hòa với rễ xanh si cổ thụ chằng chịt,
cánh mở toang, bên trong là những vạt hoa hồng, cúc rực rỡ dưới nắng, thấp
thoáng bóng các cô gái tóc đuôi gà, yếm đỏ, váy lĩnh, xà tích bạc dài chấm gót.
Tiếng đàn nguyệt tấm tưng hòa tiếng hát ca nương ngân nga vọng qua mành trúc.
Làng kỹ nữ này có từ bao giờ không ai biết.
Hình như đời xưa có một vương tôn công tử phong hoa tuyết nguyệt đã về đây xây
dựng nên nó. Hàng trăm kỹ nữ Ả đào xinh đẹp, hát hay, đàn ngọt, đã quây quần tụ
họp nên các “Chiếu Hát” mang tên “Hoa Cúc”, “Hoa Lan”... Các văn nhân tài tử
bốn phương dập dìu xe ngựa đến Tầm Dương với những canh hát thâu đêm suốt sáng.
Tầm Dương thành một xóm thần tiên, ngoài ngõ trúc toàn bướm vàng bay lượn,
đường lan toàn gái đẹp nhởn nhơ.
Các văn nhân đến đây tay cầm trống chầu tom
chát, đầu vắt óc nghĩ các bài “Hát nói Ả đào” cho các Ca nương trình diễn, và
cởi đến đồng trinh cuối cùng trong quan tiền vắt vai tiểu đồng...
Tầm Dương ngày một phồn vinh. Thuyền đậu dập
dìu Bến Đá. Ngựa tía ngựa hồng rậm rật quanh gốc mận đào. Áo lam chàng Tân
khoa, áo gấm nhà Cự phú, áo tía nhà quan thấp thoáng bên hiên.
Bao đời, nơi này ngày càng thâm u hơn. Lá
cành hàng rào tầng tầng lớp lớp vây bọc tiếng hát bên trong. Bóng người con gái
yếm đào, vai trần ,đã trở thành biểu tượng của xóm Tầm Dương.
Cậu Tú Tân khoa Đức Mẫn bước vào chiếc cổng
chìm trong dây leo hoa dại nhà “Chiếu Hát” Hoa Lan. Chị Hai đon đả đón chào:
- Mời quan...
Cậu Tú đi qua chiếc Cầu đá vắt ngang một khe nước trong
vắt, qua vườn ngập lá vàng, đến một ngôi nhà nhỏ, cách biệt. Mở cửa, mùi mực
nho mới mài sực nức, ống bút cắm vài chiếc bút lông chưa se mực, bên chiếc
nghiên đá đen chạm khắc rồng phượng theo mẫu nghiên mực trong thư phòng vua Càn
Long.
Chị Hai rót nước trà nóng trong chiếc ly sứ Cảnh Đức
đời Khang Hy, hai tay cung kính mời cậu Tú. Yếm trắng, vai trần, từ người Chị tỏa
ra mùi xống váy ướp trầm lẫn mùi mồ hôi đàn bà nạ dòng to béo...
Mẫn thơ thẩn ra vào, nghe tiếng chim hót ngoài hiên.
Rồi cậu Tú bắt tay vào sáng tác bài Thơ Nôm Hát Nói, ghi lại bằng chữ quốc ngữ,
thứ chữ đã thành môn thi bắt buộc trong các cuộc thi Hương.
Chị Hai lấy bài thơ của Mẫn đem đi cho Ca nương tập.
Sáng hôm sau, người kỹ nữ xinh đẹp của “Chiếu Hát Hoa Lan” mới chính thức diện
kiến Mẫn:
- Chào quan.
- Chào em.
Hai người ngồi trên sập gụ. Người nhạc công đàn Nguyệt
khăn xếp, áo dài gấm, khép nép ngồi bên rìa.
Ca nương vóc dáng như một cây liễu, ngón tay dài trắng
xanh, mắt buồn buồn.
- Em thích bài Hát Nói của quý khách lắm - Nàng nói.
Chiếc áo dài tứ thân của nàng phủ kín hai bàn chân trắng như tuyết, khi nàng
ngồi. Mẫn tưởng tượng một tấm thân như ngọc chuốt sau lớp áo thơm mùi hoa quế.
Chiếc phách bằng gỗ Trắc để trước mặt, người ca nương bắt đầu gõ nhịp đầu tiên.
Tiếng đàn Nguyệt bằng dây cước trên mặt gỗ Ngô Đồng Chiêm Thành tếnh tếnh, tang
tang hòa vào.
Ca nương mím đôi môi đỏ thẫm, để âm truyền trong cổ
ngân dài, rồi mở ra cho lời hát bay lên:
... Dặm liễu đường mây tứ thơ
bầu rượu
Ta cùng ai
gió mát sương mai
Quẳng gánh văn chương nặng trĩu trên
vai
Nhởn nhơ bước như bướm vàng trước gió
Mẫn lim dim mắt nhìn vào xa xăm. Tếnh tếnh, tang tang, tếnh tếnh. Tiếng đàn
Nguyệt không phải long lanh, reo vang,
mà cứ đùng đục, xin xỉn, u uẩn, hòa quện...
Người ca nương cổ cao như một đài hoa nâng bông hoa trắng muốt.
Nàng đưa mắt nhìn người khách tình hào hoa, trao gửi, cảm thông, có lúc nàng
còn cười nụ như đã hiểu hết tâm tư khách tình.
Mẫn thấy ngẩn ngơ. Một cảm xúc dào dạt đến với chàng.
Câu hát như cánh chim dìu dặt bay cao, quện theo những ngụm mây vấn vít, làm
say đắm lòng chàng.
Buổi hát kéo dài suốt một canh giờ. Người đánh đàn thu
dọn đồ nghề rút lui. Còn ca nương ở lại. Nàng cởi áo dài đưa cho Mẫn treo lên
móc, cử chỉ thân mật gợi cảm giác gia đình.
Ngoài sân nắng thu dập dềnh như sóng. Tiếng đàn, tiếng
hát từ các nhà xung quanh văng vẳng vọng đến. Còn ở đây là phút giờ im lặng của
ánh mắt, nụ cười:
- Chàng lần đầu đến đây - Kỹ nữ hỏi.
- Vâng... Lần đầu. Xóm Tầm Dương thần tiên quá, em đẹp
quá, và hát hay quá.
Mẫn nâng niu đôi bàn tay nõn nà của kỹ nữ. Rồi chàng
ôm nhẹ lấy nàng. Hai người nghe thấy tiếng tim đập thình thịch của nhau. Hơi
thở nàng thơm thơm như ngậm hương.
- Em tên gì, em - Mẫn hỏi.
- Tuyết Mai.
- Ừ... Tuyết Mai... trắng trong.
- Trắng trong ư hở anh?
- Đúng. Trắng trong như giọt tuyết trên cành mai. Anh
thấy một cảm giác lạ: Như đã quen em từ lâu lắm rồi... yêu em lắm. Tiếng hát
của em làm anh chả bao giờ quên được.
- Anh là ai hả anh?
- Trước đây vài canh giờ, anh là người xa lạ.
Nhưng sau canh hát vừa rồi, anh là người thân thiết của em.
Chúng mình ngày xưa đã quen nhau, xa nhau, và bây
giờ gặp lại.
- Gặp lại rồi có cách xa.
- Không... Không thể cách xa.
Mẫn lặng lẽ cởi hàng cúc bấm áo ngoài, rút dải yếm
của Mai. Hiện lên khuôn trăng nõn nà tỏa sáng như đêm rằm.
- Anh làm gì thế anh. Chỉ nghe hát thôi mà.
- Trăng đã mọc rồi, trăng sáng... Cho anh uống ánh trăng.
- Uống thế nào được trăng.
- Anh uống được.
Mẫn ngậm môi vào vào vầng trăng kỳ ảo.
Tuyết Mai ôm đầu Mẫn, đợ trong vòng tay mát lạnh.
- Em thuộc bao nhiêu bài hát.
- Đủ để anh nghe thâu đêm.
- Nhưng thôi, để cho vầng trăng hát, để những chiếc
lông tơ và mùi hương ngây dại trên làn da ngọc ngà của em hát thay. Tất cả đang
hát…
Người kỹ nữ mặc lại chiếc áo cánh, đóng khuy cúc:
- Thôi anh nhé. Ta ngồi bên nhau nói chuyện.
- Em đếm xóm Tầm Dương này lâu chưa?
- Cách đây ba năm. Lúc em 15 tuổi. Mẹ em xưa ở Giáo
phường Kinh đô vẫn được vào trong Cung hát. Rồi mẹ già, khê giọng, không hát
được nữa. Khi mẹ chết thì em đến đây.
- Anh có thể đến xóm Tầm Dương này làm nhà dựng cửa, ở
hẳn đây cùng em được không?
- Không. Không được. Tuyệt đối cấm. Em có thể rời đây,
đi nơi khác, lấy chồng, thì được. Nhưng không một người đàn ông nào được đến
đây, ở lại, quàng gánh nặng chồng con khó chịu lên vai ca nương. Người ca nương
phải như con chim tự do nhởn nhơ ca hát, con bướm nhởn nhơ tìm hoa hút nhị.
- Em đã yêu ai chưa... Có biết thế nào là tình yêu...
- Chưa... em chưa biết thế nào là tình yêu. Em chỉ
biết hát cho khách tình nghe.
- Thế thì bây giờ có anh yêu em.
- Nhiều khách tình đã nói như thế. Nhưng em vẫn là em
thế này. Họ đến đây rồi họ đi, không trở lại. Họ bận rộn đi thi Hương, thi Hội,
rồi đi làm quan ở đâu, không trở lại.
- Anh là người khác họ.
- Có khác thật không. Không hiểu sao em cũng thấy cảm
mến anh khác lạ-Người kỹ nữ xích lại, ôm
lấy vai anh, áp má vào môi anh.
- Anh muốn tặng em vài nén bạc để em đánh chiếc vòng
khánh khắc tên anh làm kỷ niệm.
- Không. Em không lấy. Với người khác thì em lấy.
Nhưng với anh, em không muốn lấy...
Cậu Tú Đức Mẫn ở lại Tầm Dương ba ngày. Người kỹ nữ
hát cho anh nghe những bài Ca trù như nước chảy dạt dào, không dứt. Khi bố mẹ ở
nhà quê dựng rạp, mổ bò, khao làng mừng con đại đăng khoa ,cho người đến đón, Mẫn
mới trở về.
Lúc chia tay, Tuyết Mai hỏi:
- Khóa sau, anh có đi thi nữa không.
- Anh không biết.
- Em đoán là anh lại đi thi. Thi mãi, thi nữa, rồi đỗ
cử nhân hay phó bảng, tiến sĩ rồi đi làm quan.
- Làm gì thì anh vẫn cứ trở lại đây. Chờ anh, em nhé.
Đức Mẫn khăn gói trên vai rời xóm Tầm Dương, lững
thững ra đi. Tiếng gà trưa xao xác còn vẳng theo một đoạn đường.
28-7-2012
vvvvvvv