Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011


VƯỜN TRÁM

Vườn trám trước nhà em cổ thụ

Trám vàng rơi như giọt sao chiều

Hai đứa nhặt sao chiều vào giỏ

Nếm trên môi một vị ngọt bùi



Anh ra đi mấy mùa lỡ hẹn

Vườn xưa không người nhặt trám vàng

Đôi sóc nhỏ nuôi con nếm quả

Chỉ thấy còn vị chát vườn hoang

    2-2-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH



CÁI KHÔNG CÓ THẬT

Tóc có mầu xanh đâu mà bảo tóc xanh

Mắt có mầu biếc đâu mà kêu mắt biếc

Đời phải lấy cái không có thật

Mà nhân lên cái có thật trong đời

     2-2-2011

Nguyễn Phan Hách

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011


Se màn đêm thành sợi đen óng ánh

Se  thu vàng thành sợi buồn vui

Se tiếng dế canh khuya đồng nội

Se ánh sao  dát bạc bầu trời



Tôi se ánh mắt em thăm thẳm

Se mùi hương thơm ngát vườn hồng

Se giọt mưa đầu mùa trong vắt

 Heo may về vi vút tầng không



Tôi đan dệt sợi ngang sợi dọc

Tấm áo thời gian , áo cuộc đời

Tôi se sợi tình đầu thơ dại

Ấp ủ tôi màu áo mơ phai



Tôi se sợi chát chua cay đắng

Sợi ngọt ngào nồng ấm đan xen

Ai dám mặc tấm áo này tôi tặng

Sợi gai cào vết sước trong tim

     25-11-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH






Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

truyen


LIỀM CÙN

                                                Truyện mi ni của Nguyễn Phan Hách

Anh Xã Tý khao khát có một đứa con giai. Làm thế nào để có con thì anh đã biết cách rồi.  Nhưng anh Xã  luôn giữ “thể diện”,bao giờ cũng chờ đến nửa đêm yên ắng mới vào buồng vợ.

Thường thì lúc ấy, chị Xã Tý đã ngủ được một giấc dài. Tỉnh dậy, nằm nép vào góc giường, hồi hộp đợi. Anh Xã rờ rẫm chạm vào chiếc gấu váy, kéo lên nhè nhẹ. Trời tối quá, chẳng nhìn thấy gì. Còn chị Xã thì không thể trơ trẽn đến mức tự tay cởi dải yếm. Hai vợ chồng không nhìn thấy mặt nhau, cùng im lặng, se sẽ…

Từ ngày lấy nhau, anh Xã chưa hề nhìn thấy thịt da thân hình vợ thế nào. Không biết trắng hay là đen. Chỉ sờ trong đêm, thấy tròn trặn, mềm mại. Thắp đèn lên thì xấu hổ lắm, không ai dám.

… Ước mơ của anh Xã sắp thành sự thật. Chị Xã bụng to dần, sắp đến ngày sinh nở. Anh Xã nhờ bà nhạc đến lo chuyện đẻ đái cho vợ. Còn anh thì đi “trốn” bằng cách đi chợ miền núi một tuần liền. Chờ “mẹ tròn con vuông” mới trở về. Anh là đàn ông, “không can dự” vào chuyện đẻ đái của đàn bà.

Thường ngày, anh luôn giữ ý. Trời mưa, thấy yếm váy vợ phơi ngoài sân, anh không bao giờ mó tay vào cất. Mong có con đẻ ra to khỏe, nhưng anh không nghĩ ra chuyện phải mua thịt cá, hoa quả cho vợ ăn. Cho rằng vợ ăn cơm, rau… gì mà chả no. Số tiền đó, để dành chuyển sang làm mấy mâm mời họ hàng, khi nào đứa con đầy tuổi tôi

Hôm chị Xã trở dạ, có mẹ đẻ bên cạnh đỡ cho. Thuở ấy, làng chưa có nhà hộ sinh, chưa có nghề đỡ đẻ. Làng có nghề thầy đồ, thầy cúng, thợ mộc, thợ kèn đám ma… nhưng không có nghề đỡ đẻ. Tất cả các nhà có người đẻ đều phải tự túc. Kinh nghiệm các bà già truyền nhau đại khái: Đỡ đứa bé chui ra, đầu ra trước, chân ra cuối cùng… Giữa mẹ và con dính nhau cái cuống rốn (hay gọi là cuống rau). Lấy cái liềm cùn, càng cùn càng tốt và han rỉ han rì, càng han càng tốt, để cắt rốn. Tuyệt đối không được cắt bằng dao kéo sắc, đứa bé sẽ bị xót, buốt.

Lạ nhất chi tiết này. Không biết “kinh nghiệm” ấy có từ bao giờ, truyền đến ngày nay. Nó cũng giống như các kinh nghiệm “Chớ đi mồng bẩy, chớ về mồng ba”. Hoặc: “Ra ngõ gặp gái thì hỏng việc”…

Cho nên nhà nào cũng phải “sưu tầm” một cái liềm cùn, đã cắt lúa qua hàng chục vụ và han rỉ, gài vào liếp giại cửa nhà để làm dụng cụ quan trọng.

Chỉ có điều, trẻ con mới đẻ ra chết như ngả rạ. Sốt cao, người uốn cong lên như vỏ đỗ, quằn quại. Khóc lóc, thương xót, oán trời đất số phận, nhưng không ai tìm ra thủ phạm: liềm sắt han rỉ đầy vi trùng uốn ván, thâm nhập vào cuống rốn đọng máu.

May thay, thằng bé con anh Xã Tý có sức đề kháng khỏe nên phớt lờ vi trùng uốn ván, lớn lên khỏe mạnh. Sau này nó lấy vợ làm  nghề hộ sinh. Thỉnh thoảng đùa vợ: “Anh bị cắt rốn bằng liềm cùn mà không chết thì còn có cái gì quật được anh”.

Nó để trưng bày cái liềm cùn trong tủ kính như là biểu tượng của sự dốt nát một thời của con người. Đồng thời cũng là gián tiếp đề cao sứ mệnh vinh quang của vợ nó bây giờ.

                                                                        Đại Yên 23/11/2011
vv

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

tho

CA DAO TÌNH QUÊ

-Người đi người có nhớ không

Cây đa bến cũ dòng sông con đò

Người đi từ ấy đến giờ

Cây đa rủ bóng vẫn chờ vẫn trông

Con đò lạc mất bến sông

Người đi ,người có nhớ không mái chèo

Lá đa rơi tựa cánh diều

Lá đa vàng rợi bay vèo tuổi thơ

Con đò xưa chở giấc mơ

Giấc mơ đã tỉnh , còn trơ con đò

-Ta đi vẫn nhớ đến giờ

Nhớ đêm thanh vắng chuông chùa ngân vang

Xạc xào tiếng vạc kêu sương

Ngàn mai dặm liễu con đường trong mơ

Con đường nào hóa hư vô

Con thuyền nào hết bến bờ ước mong

-Người đi người có nhớ không

Tháng mười chim ngói cánh đồng heo may

Đầu mùa cốm mới hương bay

Miếng trầu vôi mặn cay cay nồng nồng

Có con chiền chiện lượn vòng

Quanh quanh nón trắng má hồng gái quê

Người đi sao mãi chả về

Gừng cay có nhạt lời thề có phai

-Ta đi nhớ lắm người ơi

Chiều xanh nội cỏ biếc phơi nắng vàng

Mục đồng gọi nghé về chuồng

Khói lam mái bếp cô thôn tỏa mờ

Đường làng cổ tích xa xưa

Chạy lang thang đến bây giờ còn đây

Hàng  tre xanh , cánh bướm bay

Trắng tinh cánh bướm thơ ngây thuở nào

Tháng ba trong vắt mưa rào

Cá rô rạch ngược cầu ao lên bờ

Cá rô mắc cạn đến giờ

Khi nào về được ao xưa lại về

-Người đi người có còn nghe

Cuốc kêu rạn vỡ trăng hè đêm thâu

Chim đồi khắc khoải tìm nhau

Tiếng chim khản giọng nghe sao rợi buồn

_Ta đi chớp bể mưa nguồn

Tuyết tan lạnh buốt sông vàng cõi mê

Ta đi ta vẫn nhớ về

Ru ta ấp ủ bóng tre êm đềm

Tháng ba nắng mới bay lên

Tiếng gà trưa gáy vọng bên song đào

Luống cà hoa tím xôn xao

Nhành mơ quả chín rơi vào áo em

Hoa loa kèn nở trước thềm

Âm vang khúc nhạc một miền âm vang

Tháng ba hoa gạo đầu làng

Hồng như nỗi nhớ ta mang theo cùng

_Người đi người có nhớ không

Cánh chuồn chuồn ớt bay ngang bờ rào

Cuộc đời thiếu đắng cay sao

Mà chuồn chuồn ớt đậu vào tuổi thơ

Dế vườn gáy dưới trăng lu

Dế vườn ru tiếng hát ru ngọt ngào

Nô đùa đom đóm bờ ao

Tay vun từng vụn ánh sao tan nhòa

­­­_Ta đi vẫn nhớ nếp nhà

Bát canh cua với quả cà giòn tan

Trám bùi rau muống chấm tương

Ngồng xanh cải đắng hoa vàng gió lay

Trắng tinh một bát cơm đầy

Hạt mưa hạt nắng trên tay lọt vào

Ta đi , ta nhớ biết bao

Mái đình bát ngát ca dao …mái đình

Người như một ngọn trúc xinh

Nghiêng nghiêng che nón một mình đợi ta

Đường đi muôn dặm sao sa

Hẹn ai trở lại quê nhà với ai

28-11-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH




Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011



Truyện ngắn Nguyễn Phan HACH

CƠN HỒNG THỦY


(Ghi chép của Gà Trống trong dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch SARS)


úc cù cu... cu cu...

C

Tôi cất tiếng gáy âm vang. Tiếng kèn ra trận.

Cúc cù cu... cu cu... Tiếng gáy va động những hạt sương sớm màn trời trong trong màu bụng cá. Tiếng gáy thôi thúc. Tạo hóa giao phó cho tôi sứ mệnh này từ thuở khai thiên lập địa. Mỗi sớm mai, tiếng gáy giục giã sự sống đi lên, không bao giờ ngừng nghỉ, luôn tồn tại trong nhịp điệu của nó.

Thượng đế nhờ cậy. Thiên nhiên ủy thác. Vắng tiếng gáy của tôi, trái đất ngừng quay, mặt trời không mọc. Tôi đánh thức trái đất, đánh thức mặt trời, đánh thức cỏ cây hoa lá, con người.

Cúc cù cu... cu cu... Đệm cho tiếng gáy của tôi là dàn nhạc chim vườn: Bách thanh, vàng anh, bông lau, chào mào... réo rắt hòa theo. Hoa hồng bắt đầu xòe cánh. Hoa sen tỏa hương. Những tia nắng rung rinh lan tỏa bắn đi những mũi kim vàng. Những ngọn cỏ biếc xanh ẩm ướt mở mắt êm dịu. Những ngọn gió nói thầm. Những vầng mây ngũ sắc như xiêm áo mở ra từng lớp, lộ dần thịt da ngọc ngà tiên nữ.

Cúc cù cu... cu cu...

Tôi đứng trên cành lựu đỏ. Hoa lựu rung rinh. Khi sự sống trong ngày bắt đầu đâu vào đấy, tôi hoàn thành nhiệm vụ, đập cánh, bước xuống vườn...

Y

Cái Nhỡ vung nắm tấm. Đàn gà con vàng óng như búi tơ líu ríu. Những cái mỏ non tơ. Lích chích, lích chích... đàn gà vừa ra khỏi vỏ trứng mổ hạt tấm đầu tiên trong đời.

Buổi sớm. Mùi hoa cau thơm ngát. Nắng trải vàng trên sân gạch ẩm sương. Thằng Tũn mở chuồng, dắt trâu mẹ và nghé con ra đồng. Chú Vàng đủng đỉnh dạo ngoài ngõ.

Chị Gái nhai miếng trầu, say đỏ hồng đôi má. Anh Xã Tý chợt thấy vợ đẹp hẳn lên, trân trân đứng ngắm. Chị gái vừa mủm mỉm cười vừa xúc đống rạ mục vào quang gánh cho chồng.

Cả nhà ra đồng hết. Chỉ còn cái Nhỡ ở nhà. Nó xúc một đấu ngô vãi trên sân. Đàn gà dẫu, gà choai, lộc ngộc chạy lại chen chúc. Nhưng tất cả đều phải dạt ra kính nể chú Trống Cồ oai vệ. Không đứa nào dám sán đến gần. Con Cồ mào đỏ chói như mũ đại trào, chân "đi hia" vàng rực, "nhung y" óng ánh, oai vệ như một tướng quân.

Có tiếng gọi ngoài cổng. Chị Bé hàng xóm tay ôm con gà mái hoa mơ chân buộc dây, bước vào.

Con Cồ nhá anh Xã Tý, vẫn được cả xóm đem mái đến đạp, xin giống. Con mái thả ra, bọn thẹn nằm ẹp xuống. Con Cồ nghênh nghênh cái mỏ dạo quanh một vòng nhìn "đối tượng" bằng nửa con mắt. Rồi tắp lự, cánh trái xòe ra lấy đà, nhẩy tót lên lưng con mái. Mỏ ngậm chỏm mào "bạn tình", hai chân rút lên, cả tấm thân đồ sộ "tọa lạc" gọn gàng trên lưng con mái. Giây phút truyền giống thiêng liêng bắt đầu. Cả hai đứa run rẩy. Nhưng rồi con sống tụt xuống cũng rất nhanh. Chỉ một hai giây. Nhưng thế là đã xong. Con mái đứng dậy rũ lông cánh vẻ thoải mái. Còn con Trống Cồ khụng khiệng bước đi, như quên phắt mình vừa làm gì. Sáng nào nó chả được như thế. Sức khỏe vô biên. Không biết mệt là gì. Và quên luôn "người yêu", không biết tên, chẳng nhớ dáng hình...

Y

Cuộc sống đang như thế, vậy mà chỉ qua một đêm, tất cả tan tác. Cơn ác mộng có thực. Cơn hồng thủy tràn đến.

Tôi nhớ rõ những tên trong đội Đặc nhiệm hành quyết. Chúng vào nhà khi chúng tôi đang vui đùa trên sân. Không nói không rằng, chúng quây tròn. Đầu tiên tóm được thằng Choai. Tội nghiệp thằng bé mới lớn, ngộc nghệch, vụng về, to xác. Tên đặc nhiệm ném vào bao tải. Một con đặc nhiệm cái lùa tay vồ đàn gà mới nở. Mẹ nó lăn xả ra cứu con. Tên đặc nhiệm đeo găng thuận đà tóm được cổ gà mẹ. Quác quác, người mẹ gào lên đau đớn. Cổ bị bóp chặt, nhưng còn đôi chân móng sắc nhọn, người mẹ cào cấu điên cuồng. Thằng "khổng lồ tiền sử" tóm nốt đôi chân, xách "người mẹ" trên tay như con nhái. Để trả thù sự chống đối ban nãy, "cắc", tên đặc nhiệm vặn cổ người mẹ, như bẻ một đoạn cây. Con mái nấc lên một tiếng, cổ gẫy rời, máu ộc ra đầy mồm. Thôi rồi, các con ơi. Mắt nó từ từ nhắm lại. Đàn con mới đẻ, không còn người bảo vệ, bơ vơ chạy nạn diệt chủng. Nhưng chạy đâu được bây giờ. Con giặc cái đặc nhiệm chỉ cần lùa đòn gánh một cái, cả đàn ngã gục. Con vỡ sọ, con gẫy xương lưng, con què cẳng, máu chảy vông vang.

Những người lớn mở đường máu tháo chạy. Bọn đặc nhiệm vây quanh chộp gọn như thủ môn bắt bóng. Tất cả bị hành quyết tức khắc. Tôi kinh hoàng chết lặng trước thảm họa diệt chủng. Tôi muốn hỏi giời tại sao? Giời ban sự sống cho mặt đất này, sao lại bỗng nhiên tàn sát dã man.

Tên đặc nhiệm gần nhất, đưa tay về phía tôi. Chúng mày phải biết tao là Hiệp sĩ thời Trung cổ nước Anh, đánh thắng cả quỷ; đứa nào dám lại đây?

Giương chiếc cựa nhọn hoắt như lưỡi gươm, tôi phóng thẳng vào mặt tên đặc nhiệm. Đồng thời cái mỏ "đại bàng" của tôi mổ một nhát trúng đầu nó. Thằng đặc nhiệm loạng choạng. Ba bốn thằng khác xúm lại. Nhưng tôi ung dung như Quan Vân Trường xách đại đao qua bẩy cổng thành. Mụ đặc nhiệm te tái chạy theo. Với loại này, tôi sử dụng vũ khí đặc biệt. Chổng đít tôi ỉa toẹt một bãi phọt vào đôi vú to núc ních của mụ. Ối, mụ kêu lên kinh hoàng. Phá xong vòng vây, tôi chạy ra bờ tre gai rậm rạp, an toàn.

Đêm ấy trời trăng sao vằng vặc. Nằm trong bụi tre, tôi đau đớn nghĩ về thân phận kiếp người. Cả đêm không ngủ. Chiếc đồng hồ sinh học trong tôi điểm từng nhịp. Trời sắp sáng. Thượng đế đã giao cho tôi sứ mệnh đánh thức bình minh. Hôm nay có thực hiện không. Gáy lên, tôi sẽ lộ bí mật nơi ẩn nấp, nguy đến tính mạng. Nhưng không gáy, làm sao bình minh đến được. Làm sao mặt trời nhô lên. Sự sống sẽ bị chặn lại. Không. Dù phải chết, tôi không được rời xa sứ mệnh của mình.

- Cúc cù cu... cu cu...

Tôi nhẩy lên cành tre, vươn cao cổ, dõng dạc.

Tiếng gáy va động bầu trời, vén màn sương. Tiếng kèn gọi cuộc sống.

Cúc cù cu... cu cu... Cơ thể tôi tan ra thành tiếng gáy. Cuộc đời tôi tan ra thành tiếng gáy.

Cúc cù cu... cu cu...

Phía đông mặt trời từ từ nhô lên theo hiệu lệnh của tôi. Mặt trời máu, đỏ lừ. Máu... Máu tỏa ánh sáng cho mặt đất. Sự sống không bị ngừng chẩy. Sự sống tuôn trào theo dòng thời gian.

Tiếng gáy của tôi làm lệch hẳn bầu trời. Lửa của mặt trời, lửa của máu đã bừng lên. Không gì dập tắt được.

Mọi hôm, hòa theo tiếng gáy của tôi, là một bè đệm của cả thế hệ sau. Nhưng hôm nay im bặt. Chỉ còn lại một mình tôi đơn độc gánh vác nghĩa vụ trên mặt đất này. Một mình tôi. Một mình. Cả thế hệ sau đã bị thảm sát. Và như vậy nên tôi phải sống.

Cả ngày hôm đấy, tôi di chuyển trong những bụi tre, lùm cây khắp làng tránh sự truy nã. Và do đó, tận mắt chứng kiến quy mô của cuộc thảm sát như thế nào. Khắp làng, bọn đặc nhiệm quây bắt, đập chết tất cả mọi sinh vật có cánh, và biết bay. Chúng thù ghét sự có cánh, biết bay. Tại sao chúng chỉ có đôi chân đi bộ trên đường đời lầm bụi, còn con chim kia lại có cánh vút lên trời được. Có một đôi chim bồ câu đang "mớm hơi tình yêu" cho nhau. Bồ câu - biểu tượng của hòa bình. Chúng đang âu yếm, mỏ trong mỏ, ngây thơ. "Cắc" một tiếng khô khốc, tên đặc nhiệm vung chiếc gậy lim sắc cạnh chặt gẫy cổ đôi bồ câu. Đôi "tình nhân" chết, hai mắt vẫn nhìn nhau say đắm, và mỏ vẫn ngậm nguyên trong mỏ truyền hơi thở tình yêu cho nhau.

Dưới ao sen có một đôi ngỗng trắng như đôi thiên nga đang đùa rỡn trên mặt nước trong vắt. Hoa sen hồng tinh khiết. Lá sen xanh biếc. Đôi ngỗng nũng nịu nép dưới bóng hoa. Chúng ngây ngô lắm, chả biết gì cả, chỉ biết suốt ngày yêu thôi. Một tên đặc nhiệm dùng chạc nỏ, với viên đạn sỏi, khử chết người chồng trước. Máu hộc ra loang đỏ hồng trong nước. Máu hồng như màu hoa sen. Người vợ chưa hiểu gì. Nàng chạy trốn vào trong hoa. Hoa ơi, hãy cứu người. Nàng nấp trong bóng hoa. Khốn nạn, hoa đẹp thật, nhưng làm sao cứu được nàng. "Phựt", viên đạn sỏi thứ hai kẻ chỉ vào sự sống. Nó quyết không cho sự sống tồn tại. Sự sống rời khỏi thân thể trắng trong của nàng. Nàng chỉ còn là cái gối bông vô tri, trôi bồng bềnh trên mặt nước. Những bông hoa vẫn vô tình tỏa hương thơm ngát. Và nước ao sen vẫn trong vắt. Bằng ấy nước không rửa hết được tội ác của bọn diệt chủng có thật trên cõi đời này...

Tôi bước đi lang thang vô định trong vườn hoang, lòng trống trải. Trên trời một đàn cà kếu bay ngang. Một hàng dọc thẳng tắp như tiểu đội hành quân trong tiếng kèn đồng. Tiếng cà kếu rộn rã. Cà kếu ơi, bay nhanh đi, đến những chân trời sự sống..., Ở đây, Người ta đang thù hận những kẻ có cánh, biết bay. Người ta đang ghen tỵ. Tại sao tạo hóa không cho chúng có cánh, biết bay. Đôi chân chúng lạch bạch nặng nề lấm lem bùn đất. Chúng chẳng được vi vu với gió biếc mây trời...

Y

Dàn phong lan đang mùa hoa rực rỡ. Những lồng chim vàng anh, hoàng yến, họa mi... treo lúc lỉu. Màu hoa phong lan và màu chim hòa nhau. Cụ Đồ Thao đi dưới dàn hoa. Màu hoa thanh cao, mùi hoa tinh khiết. Khác hẳn sự sặc sỡ, sực nức, ồn ào nào đó...

Cụ ngắm giò lan, nghe chim hót. Họa mi, tiếng thanh thanh, réo rắt say đắm. Còn oanh vàng thì gợi nhớ một khúc Đường thi

Đánh đuổi con chim oanh vàng

Đừng cho nó hót vang vang trên cành

Nó kêu làm thiếp giật mình

Chẳng yên giấc mộng tới thành Liêu Tây...

Cụ Đồ Thao bưng chén trà, lim dim mắt. Chợt Cụ giật thót. Đội đặc nhiệm hành quyết từ trên trời rơi xuống. Chúng là biểu tượng mặt trái của tạo hóa. Tạo hóa có bao nhiêu thiên sứ thì cũng có bấy nhiêu quỷ sứ. Thiên sứ đem thông điệp sự sống tình yêu thì quỷ sứ đem thông điệp chết chóc, hủy diệt. Và bây giờ chúng đang hiện diện ở đây...

Con vẹt, theo thói quen, như mọi hôm thấy người lạ là cất tiếng "Chào quý khách". Mắt vẹt không phân biệt được ngườiquỷ. Cũng như mắt người khó phân biệt giữa quỷngười.

- Chào quý khách! Quý khách đến chơi!

- Ai là khách của mày. - Tên đặc nhiệm nói.

Nó thò tay vào lồng bóp cổ, "diệt khẩu". Ọe ọe... Con vẹt giẫy giụa. Nó tưởng khách đùa. Ai đùa với nó. Nó phải chết. Thế thôi!

Đôi họa mi đang réo rắt, ngừng hót. Cảm nhận được sự nghiêm trọng của thời cuộc. Khi bàn tay tên đặc nhiệm thò vào lồng, nó mổ cho một nhát chí mạng. Mỏ và móng của nó sắc nhọn. Nó quyết tử trong tư thế chiến đấu đến phút cuối cùng, chứ không khờ dại như Cô Vẹt đến lúc người ta bóp cổ mình mà vẫn tưởng là đùa!

Mấy đôi hoàng yến, hồng yến, bạch yến, liễu yếu đào tơ như những nàng cung phi diễm lệ trong cung bị tên bạo chúa tàn sát. Tất cả đều có một giọt máu đỏ chói trào ra thấm vào tấm xiêm y sắc trắng, sắc hồng, sắc vàng.

Đội đặc nhiệm thần chết ra đi để lại cái chết trong những chiếc lồng son tan hoang. Hoa phong lan nép vào nhau run rẩy. Nó vừa chứng kiến cuộc diệt chủng. Sự sống sao mà mong manh. Cái đẹp chả làm gì được trước bạo lực. Cái đẹp yếu ớt lắm. Cái đẹp mong manh lắm. Bạo lực là chúa tể.

Y

Hóa ra ngày tận thế trong Kinh thánh là có thật. Hóa ra đời tôi được chứng kiến những điều tưởng chỉ là chuyện ảo.

Chiều hôm đó, tôi nấp trong một bụi gai ngoài nội cỏ. Người ta vừa đào xong một cái hố to sâu hút.

Tiếng bọn đặc nhiệm thần chết gọi loa ra lệnh nghe ghê rợn.

Từng tốp người lũ lượt tay xách lồng gà lồng vịt tới pháp trường. Trận "tổng diệt chủng" diễn ra dưới hình thức chôn sống. Tất cả bị ném xuống hố. Tiếng kêu gào thảm thiết của các chị gà mái mất con. Đến lúc chết, vẫn chỉ biết có con. Còn thân mình ra sao không cần biết.

- Mẹ ơi, chúng con ở đây...

Đàn gà con bị quẳng xuống trước, nằm nép đáy hố. Gà mẹ xà lại sung sướng, lấy cánh xòe che chở cho con, không biết rằng đôi cánh làm sao có thể chống đỡ được sức nặng của những xẻng đất chôn sống.

Những chú vịt lạch bạch chạy trốn. Nhưng trốn đâu cho thoát. Bọn đặc nhiệm lấy chân gạt. Những cô "thôn nữ gà dò" chớm tuổi dậy thì, mất trí, chạy ngu ngơ. Mụ đặc nhiệm cầm đòn gánh vừa phang túi bụi vừa gạt. Sau lưng tuổi "thiếu nữ" là vực thẳm đen ngòm. Những cô thiếu nữ chưa một lần biết hương vị tình yêu, đã thấy trước mắt mình là bóng tối.

Tiếng khóc gào vang trên nội cỏ. Cảnh hành hình thời trung cổ diễn ra. Từng lớp, từng lớp sinh vật sống chồng lên nhau cao như đụn rạ. Xăng tưới đẫm lênh láng. Một que diêm ném xuống. Cả hố thành lò lửa bát quái. Mùi thịt cháy khét lẹt.

Gió đồng đem mùi chết chóc bay xa, bay xa đến những chân trời đời sau...

Bao nhiêu sinh mệnh đã chỉ còn trong màu khói đen lơ lửng.

Bọn đặc nhiệm vội vã lấp đất phi tang.

Y

Tôi quyết định ra đi tìm con đường sống. Ngược dòng suối, tìm về thời hoang dã. Tôi biết nơi xa kia có một cánh rừng nhỏ.

Trưa hôm ấy, bên cửa suối, gặp một đàn vịt nhà cũng đang trên đường tỵ nạn. Đàn vịt đông như một sư đoàn tơi tả, đói rách, mất hết vũ khí quân trang, đang lê bước.

- Chúng tôi bị bỏ rơi. Trước đây chúng tôi là quân đánh thuê nhà nghề, được cấp phát lương thực đầy đủ - Đàn vịt nói - Bây giờ bị bỏ đói, bị xua đuổi muốn đi đâu thì đi. Bao nhiêu ngày lê gót được đến đây. Không có gì ăn...

- Thế là may cho các anh đấy. Kẻ khác còn bị chôn sống kia kìa.

- May theo một nghĩa nào thôi. Nhưng ngắc ngoải, chết đói từ từ còn khổ hơn ấy chứ. Cả đời quen được sống bao cấp, đi đánh thuê, có mỗi một nghề đánh nhau, không biết làm ăn gì. Bây giờ chết đói là cái chắc.

Có mấy con vịt giời xà xuống nghe ngóng, động viên:

- Hãy tự cứu lấy mình. Như chúng tôi từ thuở lọt lòng, ai "bao cấp" cho một hạt thóc nào, sao vẫn sống.

Đàn vịt nhà ngao ngán tuyệt vọng. Nhiều con sức tàn lực kiệt đã nằm nửa ngủ lơ mơ, nửa chết...

Tôi cũng bỏ mặc chúng, tự mình cứu lấy mình trước đã. Vào lúc này, ai có thể cưu mang được ai.

Tới rừng hoang, tôi trú chân trong hốc cây sồi già. Trên cành cao là gã Diều hâu và chú Quạ. Quạ, trước đây, tôi không ưa lắm. Thỉnh thoảng có gặp nhau. Quạ về đậu chuồng lợn, nhớn nha nhớn nhác, không đàng hoàng. Còn diều hâu, thì tôi phục cái phong thái oai hùng của gã. Những chiều hè, lượn lờ trên tầng mây xanh biếc. Nhưng bây giờ thì gã cũng nhớn nha nhớn nhác - Tôi sợ lắm. Bị truy lùng khắp nơi. Không còn đất sống nữa - gã nói.

Trong bối cảnh bước đường cùng, ba chúng tôi làm bạn với nhau cho đỡ cô đơn.

Cánh rừng chết lặng. Không một tiếng chim kêu. Mặc dù mật độ tỵ nạn về đây dày đặc.

Một buổi có đàn thiên nga từ phương Bắc về. Chúng kể chuyện:

- Chúng tôi đang nô rỡn trên những mặt hồ xanh biếc như mắt người thiếu nữ châu Âu. Chúng tôi rúc vào cánh ngủ lơ mơ trên dòng Đa nuýp xanh lơ của các bản giao hưởng cổ điển. Bao đời đã quen như thế. Vậy mà rồi bất ngờ bọn đặc nhiệm thần chết nổ súng. Chúng tôi choàng tỉnh dậy. Máu nhuộm đỏ cả mặt hồ mặt sông. Máu nhuộm đỏ những cánh thiên nga trắng tinh. Chúng tôi, ai còn sống sót, cất cánh bay lên hoảng loạn, oán hờn mặt hồ xanh biếc. Đành phải bỏ lại mặt hồ phụ bạc. Tiếng súng "tiễn chân" suốt dặm đường. Bay đến rã cánh không dám nghỉ. Nghỉ, là chết. Ở đâu cũng có mũi súng đen ngòm. Lang thang giữa bầu trời mịt mù vô định, rồi đến được đây.

Một chú bồ câu ở thành phố cổ châu Âu tường thuật:

- Chúng tôi sống trên quảng trường nô đùa cùng với khách du lịch. Chúng tôi xà xuống ghế đá công viên bên những đôi trai gái đang hôn nhau. Thành phố quê hương cổ kính, mái nhà tháp nhọn dát vàng. Thành phố thân yêu, những chiều đông tuyết trắng, chúng tôi xà vào mổ vụn bánh mì bên các cửa sổ ấm cúng. Đôi khi đùa quá đáng, chúng tôi phóng uế trắng xóa vai các pho tượng đồng công viên... Vậy mà thành phố không giận. Thế thì tại sao lại có chuyện giăng lưới quây bắt. Ban đầu tưởng là trò chơi của Féttivan du lịch. Chúng tôi xà vào mắt lưới nô nghịch. Hóa ra sau chẳng có chuyện Féttivan gì ở đây cả. Hàng ngàn hàng ngàn sinh mạng bị quẳng xuống hố sâu thiêu sống. Chỉ trong vài ngày thành phố vắng hoe như một bãi tha ma. Tôi may mắn thoát chết.

Một chú bồ câu khác từ nước Mỹ tới kể tiếp:

- Tôi được nuôi trong một lâu đài cổ kính. Chú bé Ăng đờ rây thường ve vuốt tôi trong lòng. Một hôm tôi thấy trên ti vi chiếu cảnh tàn sát loài có cánh. Khắp thế giới chỗ nào cũng có hủy diệt.

Chú bé Ăng đờ rây giật mình quay lại nhìn tôi. Không bao giờ quên được ánh mắt ấy. Ôi đôi mắt xưa thân yêu bao nhiêu thì giờ đáng sợ bấy nhiêu. Dịch giết chóc từ màn ảnh ti vi chẩy vào tâm trí chú bé Ăng đờ rây. Chú đứng dậy, tránh xa tôi. Rồi đưa tay xua đuổi. Tôi biết cái gì đã xảy ra. Không thể nấn ná một giây. Không nuối tiếc. Tôi vỗ cánh bay đi. Vĩnh biệt tuổi thơ êm đềm trong tòa lâu đài cổ kính gô tích.

Chú Chim Ưng từ cao nguyên Trung Á góp chuyện:

- Tôi thường đậu trên tay ông chủ khi ông phi ngựa trên thảo nguyên xanh biếc. Ông tung tôi lên trời. Như một mũi tên tôi lao vào chặn đánh đối thủ giữa tầng không. Sự dũng mãnh của tôi, ai cũng kính nể. Trời cao, không là cái gì. Thảo nguyên rộng, không là cái gì. Sải cánh của tôi tung hoành gió bão. Âý vậy mà bọn đặc nhiệm thần chết đòi ông chủ dẫn độ giao nộp tôi cho chúng. Không đời nào. Tôi mổ mù mắt một tên đặc nhiệm. Và từ giã ông chủ ra đi...

Chú đại bàng vùng núi Nam Mỹ nhún vai:

- Núi cao, rừng già, hang sâu là giường nệm của chúng tôi. Sải cánh tôi đo từng đoạn bầu trời. Chúng tôi sống với trăng sao, đâu sống với con người. Tôi có thể mổ một ngôi sao nuốt vào bụng. Chúng tôi không màng các cánh đồng lầy lội đầy lúa má, hay đường phố bày bán thực phẩm ăn liền. Vậy mà chúng không để chúng tôi yên. Từng tiểu đội đặc nhiệm vào rừng càn quét. Súng vãi đạn. Chúng quyết giết chúng tôi.

Chú phượng hoàng từ vườn Bách thú thành phố kể những gì mắt thấy tai nghe:

- Nạn nhân đầu tiên là đám gà Lôi xanh biếc. Chúng như bầy nam thanh nữ tú đang trẩy hội. Tất cả bị bắt ném vào bao tải như ném củ cải. Sau đấy là các loài chim: trĩ, vẹt, oanh, én, chàng làng, ác là, sáo sậu, tu hú, bách thanh... Đây là dàn nhạc vĩ đại của công viên. Mỗi sáng chúng tấu bản nhạc giao hưởng cổ điển Mô Da, Béttôven du dương. Chúng bị quây, và bao tải trở thành bầu trời. Đầu tiên chúng tưởng có sự hiểu lầm. Sẽ được minh oan. Chúng còn nổi cơn giận dỗi nghệ sĩ, định bụng sẽ đình công, ngưng hòa nhạc vì các hành động thiếu văn hóa. Nhưng sau đấy, một cái hố sâu thăm thẳm là "miền đất hứa cho các nghệ sĩ". Tất cả bị xử lý bằng hóa chất. Dòng axít trong vắt như dòng suối, lan đến đâu cào xé rách toang các cổ họng nghệ sĩ đến đấy.

Tôi và đà điểu là hai thứ quý của công viên. Ban đầu tưởng số phận sẽ ưu ái biệt nhỡn. Nhưng không, nó chẳng chừa ai. Đàn đà điểu phóng thẳng ra đường phố ô tô đông nghẹt. Cao lớn lộc ngộc, chúng chạy thi cùng với những chiếc Méc xê đéc, Tô yô ta, đang lao vun vút.

Bọn đặc nhiệm phóng mô tô chuyên dụng đuổi theo. Dân hai bên đường hò reo cổ vũ cho cuộc thảm sát. Lần đầu tiên những con đà điểu ân hận. Tại sao chúng lại từ sa mạc châu Phi về chốn phồn hoa đô hội này. Những con đà điểu như những lực sĩ thời La mã cổ đại lao ngược vào đường một chiều. Tất cả ô tô đối đầu với chúng. Chúng đạp vào mặt những chiếc ô tô của nền văn minh tàn sát môi trường. Chúng chạy ngược chiều thời gian, ngược chiều lịch sử để về với miền hoang dã thơ ngây. Cuộc chạy vô vọng. Bọn đặc nhiệm dùng thòng lọng khéo như các tướng cướp Ả rập trung cổ. Dây thừng xềnh xệch kéo những chiếc cổ cao kiêu hãnh. Rồi chúng xếp những con đà điểu lên xe tải như xếp những bó tre nứa đem về lò thiêu...

Tôi phản ứng nhanh nhất. Không có chuyện rỗi hơi xòe cái đuôi đẹp đẽ ra múa cho thiên hạ xem nữa. Tôi cụp đuôi lại, "phắn" thẳng một mạch. Ở đâu rừng cũng cứu người. Tôi nương vào những hàng cây ven đường mà thoát thân...

Y

Nửa năm trôi qua. Tôi nghĩ cái gì cũng có cao trào rồi đến thoái trào. Cuộc diệt chủng không có lý do gì kéo dài mãi. Tôi bảo Quạ:

- Anh nhỏ bé, cơ động, lanh lợi, thử về làng quê trinh sát xem sao.

Quạ đồng ý. Vài ngày sau về, nhớn nha nhớn nhác, mắt tròn mắt dẹt. Đáng lẽ phải cung cấp thông tin ngay, nhưng nó lại tuôn ra một tràng triết lý:

- Cái gì rồi cũng qua. Sự sống là vĩnh cửu, là bất diệt. Không gì hủy diệt được sự sống.

Triết lý thì đúng, nếu qua mồm tôi nói. Nhưng qua mồm Quạ thành chẳng gây ấn tượng gì.

- Tất cả mọi sự tồn tại trên đời này đều có triết lý tự nhiên của nó. Nếu không, tôi đã không tồn tại.

- Được rồi, nói đi - Tôi giục.

- Sự sống đã trở lại các làng quê thanh bình. Sân nhà lại đầy ắp gà vịt. Chim chóc trong các lùm cây lại ríu ran.

- Thế sáng ra, anh có nghe tiếng gà gáy gọi bình minh - Tôi lo lắng.

- Có. Tiếng gà dõng dạc ngân vang, hoành tráng, và mặt trời lại từ từ lên.

- Ai thế nhỉ. Ai có thể thay tôi được...

- Thế không có ông dễ người ta chết hết, sự sống ngừng chẩy chắc!

Tôi im lặng, suy nghĩ, lo âu xen lẫn mừng vui. Cuối cùng thì mừng vui là chủ đạo.

Cùng với quạ, chim cắt, bồ câu, cũng đi trinh sát các thành phố, miền xa. Trở về, nhất loạt kết luận: Sự sống đã hồi sinh.

- Chúng ta về chăng - Tôi nói - Các anh về quê tôi sinh sống. Mái ngói rêu mốc, dặng tre, ao bèo... đầm ấm lắm.

- Không - Bọn đại bàng, thiên nga nói - Chúng tôi sẽ qua đấy như một tua du lịch về cội nguồn. Còn chúng tôi, thiên nga phải về với dòng Đa nuýp xanh lơ, đại bàng về núi cao hùng vĩ, chim Công về với công viên thành phố hoa lệ nơi cái đuôi xòe là biểu tượng của cuộc sống phồn hoa.

- Thôi được. Xuýt chết ở đấy rồi mà vẫn không chừa.

- Cũng như anh... Sao lại còn trở lại làng quê.

Ừ nhỉ, tôi bật cười.

Y

Anh Xã Tý vung thóc gạo ra sân. Đàn gà đông đúc xông đến. Túc túc... túc túc... Gà mái mẹ gọi đàn con. Vịt chạy lạch bạch...

Tôi nhắm mắt. Có phải tôi đang ngủ mơ không. Lại y nguyên cảnh sân nhà anh Xã Tý ngày xưa. Hay là cảnh diệt chủng vừa qua chỉ là cơn ác mộng, không có thật.

- Kìa, con gà trống Cồ nhà ta tưởng mất tích, ở đâu về kìa! - Anh xã Tý reo lên.

Tôi đĩnh đạc bước vào. Cả đàn gà mới này không biết tôi là ai. Chúng không chào. Không nhường, không thèm quan tâm. Tôi không chấp. Hoặc tôi đã khiêm nhường hơn trước, sau những năm tháng bể dâu.

Sáng hôm sau, khi tôi đang dạo bước, thì lại có cô Bé hàng xóm đem một "nàng cung nữ chân buộc dây" đến.

- Nhỡ ơi, cho chị đạp mái "nhờ" một tí nhé.

Hóa ra chỉ là chuyện nhờ thôi à. Tạo ra sự sống, tạo ra cả chục sinh mạng, lại chỉ là chuyện "nhờ" dễ bỡn thế sao.

Nàng cung nữ, e ấp, bọn thẹn nằm ẹp xuống chờ đợi.

Suốt nửa năm qua, tôi quên bẵng mất chuyện yêu đương tình dục. Cơn chấn động đã tiêu diệt hoàn toàn sinh lực đàn ông của tôi. Mất hẳn lúc nào không biết. Trước kia gần như mỗi ngày tôi được âu yếm một "nàng cung nữ". Họ thi nhau đem đến dâng hiến cho tôi. Tôi là vua ba ngàn mỹ nữ cung tần.

Vậy mà bây giờ, một cái gì trong tôi nhũn ra biến mất, không còn có thể làm gì được nữa. Tên đàn ông trong tôi bất lực, vô dụng hoàn toàn.

"Nàng cung nữ" vẫn nằm ẹp chờ đợi. Đôi mắt đắm đuối. Trời ơi, tôi thấy nhục nhã không biết chừng nào là nhục nhã. Muốn độn thổ xuống đất. Xấu hổ quá chừng...

Tôi vè vè tiến lại, giả vờ làm động tác âu yếm. Giả vờ cắn vào mào cung nữ, rồi rút chân lên, rồi lắc lư, rồi... đủ cả, nhưng hoàn toàn chỉ là giả vờ. Tôi che mắt được Cô Bé, nhưng sao dối lừa được "nàng cung nữ". Khi tôi tụt xuống, giả vờ đã xong, nàng kinh hoàng, tức giận...

Tôi vội lảng tránh ánh mắt nàng, rồi chạy trốn ra vườn, vùi đầu vào khóm rong riềng khóc nức nở. Suốt sáu tháng qua, không rỏ một giọt nước mắt, mà giờ lệ chảy dòng dòng.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, hôm nào cũng thế, hàng xóm cứ đem các "nàng cung nữ" đến dâng hiến cho tôi. Vì tôi đã có "thương hiệu'. Đáng lẽ tôi phải chối từ, và bộc bạch sự "bất lực" của mình. Nhưng vì sĩ diện tôi tiếp tục giở trò dối lừa. Cũng vè vè xòe cánh. Cũng lượn quanh. Cũng nhẩy phắt lên hùng dũng. Cũng gáy một tiếng sảng khoái báo hiệu đã hoàn thành nhiệm vụ... dối lừa!

Trò sĩ diện ấy kéo dài được vài tháng. Rồi một hôm, hàng xóm đến báo tin động trời:

- Tất cả các ổ trứng "lấy sống" con Cồ, ung hết. Không nở lấy một con nào.

Tôi nấp sau bụi rong riềng nghe rõ hết.

- Trông thì to xác đẹp mã, nghênh ngang khụng khiệng thế mà là đồ toi cơm!

Đồ toi cơm - Không có câu chửi nào đau hơn thế. Tôi lủi ra bờ tre, không dám về chường mặt trước anh Xã. Cũng từ hôm ấy, không được ai đem "cung nữ" đến dâng hiến nữa.

Kiểm điểm lại, tội của tôi to tày đình. Hàng trăm quả trứng ung vì thiếu "sống", tức là hàng trăm sinh mệnh đã bị bóp "chết từ trong trứng", không được trình diện trên thế gian. Tất cả vì tính sĩ diện của tôi...

Y

Cuộc sống thanh bình diễn ra chừng được một năm.

Nỗi khổ đau "bất lực" của tôi chỉ là cục bộ. Còn lại, nói chung cuộc sống là tích cực. Làm gì có cuộc sống nào toàn các niềm vui. Vì vậy tôi không lấy nỗi khổ đau của mình làm hệ quy chiếu chung cho cuộc sống.

Nhưng rồi thảm họa cũ vừa mới đi qua, vết thương chưa lành miệng, thảm họa mới lại đến. Thảm họa hôm qua rơi xuống đầu người này, và ngày mai rơi xuống đầu người khác.

Một lần nữa tôi lại chứng kiến sự ghé thăm của thần chết tới nhà anh Xã Tý. Chúng không báo trước. Dừng trước chuồng trâu, chúng vạch mồm, xem móng hai mẹ con con nghé.

Ó ọ ó ọ... Tội nghiệp trâu mẹ hồn nhiên, không biết giờ "khai hỏa" của nạn diệt chủng loài có móng đã điểm, y như năm trước với loài có cánh. Thằng có cánh bị ghen tỵ đã đành, đến thằng chỉ có móng dầm trong bùn đất cũng bị ghen tỵ. Khốn nạn có còn gì khổ hơn thân phận con Trâu. È cổ ra kéo cày. Xới tung cả cánh đồng lên. Lực đôi vai cào xước vỏ quả đất. Ôi cực lắm. Chân suốt đời dầm trong bùn. Ăn thì nhai toàn cỏ để làm ra hạt cơm dẻo ngọt cho kẻ khác xơi. Còn bản thân mình thì cả đời không được hột cơm nào vào bụng. Làm ra cả núi gạo, núi cơm mà bản thân không được chia phần một hạt. Vô lý đến thế là cùng. Bất công đến thế là cùng. Nhưng bản chất cuộc đời này là sự bất công, biết làm sao được. Ai bảo sinh ra tồn tại trên đời. Cứ ở cõi hỗn mang u u minh minh có hơn không.

Bây giờ đến lượt cả kẻ khốn nạn nhất cũng không thoát. Bọn đặc nhiệm dắt trâu mẹ đi. Anh Xã khóc lóc xin lại được con nghé. Hai mẹ con mắt dớm lệ chia tay nhau. Mẹ đang đi đến nấm mồ chôn sống. Sừng trâu mẹ có thể húc lòi ruột bọn đặc nhiệm. Nhưng nó vốn hiền lành cam chịu, cho dắt mũi đi, kể cả dắt mũi đến chỗ chết.

Tiếp sau trâu, hôm sau đến lượt lợn. Lợn cũng có móng. Bọn đặc nhiệm lại sử dụng những cái bao bố to tướng để bó tròn lợn bên trong rồi chất ra xe bò.

Hố chôn sống loài có móng to như cái ao. Bọn đặc nhiệm không đủ xăng đốt. Chỉ có xe tải kìn kìn chở vôi bột đến. Trâu, lợn sặc vôi hộc lên. Mắt bị vôi lấp mù. Trâu bò giẫy giụa trong cái chết trắng. Thành hố cao quá, không ai có thể trèo lên được. Sinh vật nọ chồng lên sinh vật kia bẹp gan, lòi ruột. Đất bắt đầu phủ bóng đêm vĩnh viễn cho các số phận. Màn đen che phủ cuộc đời.

Nấm mồ trâu, bò, lợn của làng to như một chiếc gò.

Tôi chắt cũng không còn một giọt nước mắt để nhỏ xuống. Lòng lạnh tanh, đầu khô khốc. Có đập vỡ đầu tôi ra, tôi cũng không hiểu được cuối cùng thì cuộc đời này có chân lý hay là toàn phi lý...

Bây giờ trông tôi như một lão già xác xơ. Chiếc mào đỏ sần sùi những chấm đen. Đôi ủng dát vàng đã xước xát. Bộ nhung y bạc phếch. Tôi tha thẩn bờ tre bụi rậm, không ai thèm để ý.

Đêm đêm, tôi đến gần chiếc ti vi nhà anh Xã Tý. Cảnh diệt chủng trâu, bò, ngựa, lợn hiện lên loang loáng với quy mô toàn thế giới. Những đàn ngựa chiến trên thảo nguyên gục đầu ủ rũ lê bước què quặt giẫy chết... Những đàn bò nước Anh sừng sững, bị xích kéo lôi ra pháp trường. Những trại lợn châu Âu, châu Mỹ bị thiêu huỷ trống hơ trống hoác...

Chú cẩu Vàng nhà anh Xã Tý cũng là loài có móng, dù móng bé tý. Nó thì thào bảo tôi:

- Bác ơi. Binh tình này thì em cũng chả thoát. Em đến rừng hoang trốn đây. Bác ở lại nhé...

- Ừ đi đi... - Tôi giục - Qua cơn bĩ cực sẽ đến ngày thái lai. Gắng mà giữ lấy mạng sống nhé.

Con cẩu Vàng đi rồi, nhà anh Xã Tý hiu quạnh. Đêm vắng lặng như tờ. Một mình tôi dạo bóng trăng xuông.

Từ ngày xảy ra thảm họa, tôi thường không bỏ giờ thời sự Ti vi. Bẵng đi một thời gian, không thấy có cảnh thảm sát loài có móng. Nhưng không, chớ vội mừng. Bởi cái gì cũng phải "tam giả ba bận" mới đủ đô. Tai họa tập I và tập II ghê gớm thật, nhưng chưa thấm gì với tập III. Người phát thanh viên một hôm hốt hoảng đọc tin: "Ông X vào thang máy ở Hồng Công. Một người khác nữa cùng vào. Người khách ấy hắt hơi nhẹ một cái. Hắt hơi, chuyện bình thường. Ông X đâu biết cái hắt hơi của một người không quen biết, khác quốc tịch, lại là định mệnh của đời mình. Loài người liên quan với nhau thế đấy. Ông X về tự nhiên thấy sốt cao, khó thở mê man. Tất cả là từ cái hắt hơi của người đi cùng chiếc "thang máy cuộc đời" để lên thiên đình kia.

Ông X đến bệnh viện quốc tế. Ông Bác sĩ Tây chữa cho ông. Ngày hôm sau đến lượt chính ông bác sĩ cũng sốt cao khó thở mê man. Toàn thể kíp bác sĩ, y tá, liên quan đều lăn quay ra không phương cứu chữa. Rồi cùng chết trong vài ngày. Chết từ bác sĩ chết đi, chứ đừng nói bệnh nhân. Bệnh SARS. Cứ ai đến gần, ngửi phải một cái là đã lây. Bệnh từ miệng người phả ra bay lơ lửng trong không khí. Ai mà chả phải hít thở không khí. Hít vào là bị. Người bị SARS, bố không dám đến thăm con, vợ không dám đến thăm chồng. Không tiếp xúc thì may còn được sống. Chứ nhìn thấy nhau là đã lây bệnh, đã chết rồi.

Cái khẩu trang che mũi che miệng bác sĩ sao mà mong manh. Các bác sĩ, y tá khắp nơi run sợ. Vậy thì ai còn cứu ai được bây giờ.

Nghe nói bệnh này do một loại vi rút được hình thành trong phòng thí nghiệm làm bom vi trùng nào đó lọt ra ngoài. Trí tuệ "khốn cùng" của loài người, đã chế ra được loại bom, để có thể giết hết loài người. Nguyên tử Hirôsima, chả ăn thua gì. HIV, chả ăn thua gì. HIV đã là cái "đểu nhất". Ngủ với nhau là cái khoái nhất của loài người, thì nó nhè vào đấy để "khống chế" một cách vô "văn hóa", thiếu "nhân văn". Nhưng HIV cũng phải 10 năm sau mới chết. Còn đằng này cứ thằng nào "hít hít thở thở" cạnh nhau là đã có thể chết rồi!

Có lẽ giờ tận diệt đã điểm. Nghe nói hành tinh trái đất này cũng không phải là vĩnh cửu. Đến một lúc nào đó, nó có thể nổ tung thành bụi tinh vân. Rồi bụi tinh vân mù mịt quay đảo tụ lại với nhau, lại thành hành tinh... Rồi sự sống lại bắt đầu từ đơn bào. Hàng tỷ tỷ năm cứ lẩn mà lẩn mẩn như thế.

Anh Xã Tý đi mua khẩu trang về cho cả nhà. Cái mồm cái mũi anh toang hoác ra thế kia, làm sao bịt được con SARS nhỏ đến vô hình...

Ti vi đưa tin Tổng thống nước này thăm nước nọ. Thăm nom làm gì nữa. Sắp chết hết đến nơi rồi...

Chuyện SARS bắt đầu có từ mùa đông, qua mùa xuân. Những ngày lạnh và ẩm đi qua. Nắng mới lên hong hong. Rồi đến nắng hè chói chang. Nắng như đổ lửa. Tôi suốt ngày chạy trong bóng râm. Nắng này thì SARS cũng phải chạy trốn, chứ không thì tan xác. Ý nghĩ ấy là của tôi đầu tiên. Tôi nghĩ ra nó. Bắt đầu từ câu chửi tục "Nắng này thì đến bố SARS cũng phải chết". Thế mà rồi thành khoa học. Cái khoa học ấy là do tôi nghĩ ra, phải giữ bản quyền cho tôi... Sau một tháng nắng chói chang, ti vi chạy bản tin: Đã khống chế được bệnh Sars trên toàn thế giới. Không thấy một trường hợp mắc bệnh nào nữa. Nắng nóng, nhiệt độ cao không phải là môi trường thích hợp của vi rút Sars. Do mới được điều chế trong phòng thí nghiệm, chưa được rèn luyện biến đổi gien nhiều lần trong tự nhiên, nên Sars yếu ớt, chết yểu.

Tôi thở phào. Cả thế giới thở phào theo. Hú vía. Ông giời dọa con người. Ai bảo khoa học của chúng mày cứ bảo không có giời. Không có giời mà tao lại đẻ ra chúng mày. Chẳng lẽ chúng mày từ lỗ nẻ chui lên.

Ấy, thỉnh thoảng cứ phải dọa một cái với tầm cỡ "diệt chủng" cho nó biết thế nào là lễ phép. Nhưng "dơ cao đánh sẽ". Chúng nó là con cháu mình cả mà... Cho nó sợ vãi đái ra một cái rồi thôi...

Y

Anh Xã Tý vung thóc gọi đàn gà đông đúc. Con nghé con nghé ọ ngoài vườn. Từ ngày mẹ chết, nó âu sầu. Nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai. Kỳ này trông nó đã lớn phổng.

Có tiếng gì ngoài ngõ. Nhìn ra, chú cẩu Vàng đi "tỵ nạn chính trị", nghe tình hình yên ắng, đã trở về.

- Vào đây, không sợ nữa rồi. Cuộc sống thanh bình đã trở lại - Tôi nói.

Chú Vàng trông xác xơ, thất sắc. Còn đâu vẻ bóng mượt, vô tư ngày xưa. Đến bố thằng nào cũng không vô tư được sau những vố như thế này.

- Tất cả lại bắt đầu sức sống mới bền vững. Sự sống là vĩnh cửu. Sau các thảm họa, càng làm cho ta thấy yêu cuộc đời này hơn - Tôi bảo.

- Bác sợ bài ghi chép này của bác không được đăng báo nên bác cứ nói thế, chứ em thì em sợ bỏ mẹ ra ấy - Chú Vàng bảo.

- Thế tao không thọt dái lên cổ à - Tôi ghé tai nó - Tao "đéo làm gì" được nữa rồi. Còn mày thế nào.

- Em cũng không thấy "ham muốn" gì nữa.

- Mất "ham muốn" tức là sự sống đã bị triệt tiêu tận gốc, chẳng còn các thế hệ sau. Mất giống. Họa diệt chủng tuy nó không chặt phăng cái đầu tao với mày, nhưng nó đã đạt được mục đích tương đối.

- Vì thế em với bác mới phải "cố gắng". Luyện tập thế nào đó để lấy lại "phong độ" ngày xưa.

Tôi cười hì hì:

- Chẳng cứ tao với mày, mà cả loài người cũng vừa qua một trận dựng tóc gáy. Thôi bây giờ hãy biết thân biết phận. Đừng làm gì nhố nhăng quá. Cuộc sống vốn mong manh lắm mà.

Đại Yên, 15-7-2006